Xu hướng khởi nghiệp xanh
IMO là tên viết tắt của Indigenous Microorganism (vi sinh vật bản địa), sinh sống và phát triển hoàn toàn ngoài môi trường tự nhiên mà chúng ta đang sống. Các vi sinh vật này đang ngày đêm tham gia tích cực vào quá trình phân hủy chất hữu cơ thành CO2 và các chất khác cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng; một số vi sinh vật còn biến đạm trong không khí thành đạm cho cây trồng hấp thụ. IMO có thể ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực khác nhau như làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân, ủ rác, khử mùi, giảm ô nhiễm môi trường. Từ những lợi ích thực tế này mà nhiều người trẻ tại Bình Phước đã không ngừng học tập, nghiên cứu, ứng dụng IMO vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế.
5 năm nay, trang trại nuôi trùn quế của anh Lương Văn Hậu ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng thường xuyên đón nhiều đoàn viên thanh niên đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Bởi anh Hậu là một trong những người thành công với việc sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm, chất thải nông nghiệp, chăn nuôi với mô hình nuôi trùn quế tại Bình Phước.
Câu chuyện sản xuất phân hữu cơ của anh Hậu bắt nguồn từ mong muốn tìm giải pháp nâng cao năng suất vườn điều của gia đình khi giá phân bón hóa học trên thị trường quá cao. Anh Hậu đã tìm kiếm giải pháp để tạo nguồn phân hữu cơ nhằm giảm chi phí sản xuất và phát triển bền vững vườn cây. Anh lựa chọn nuôi trùn quế lai để tạo nguồn phân bón. Cụ thể, anh học tập các video hướng dẫn làm men vi sinh gốc trên internet và đã chế tạo thành công nhiều dòng chế phẩm vi sinh, sau đó sử dụng các chế phẩm vi sinh này để xử lý phế phẩm, phụ phẩm, chất thải gia súc, gia cầm làm thức ăn đầu vào cho trùn quế. Hiện nay, trang trại nuôi trùn quế của anh Hậu cung cấp ra thị trường mỗi tháng khoảng 5 tấn phân bón hữu cơ với giá khoảng 5 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, từ ứng dụng men vi sinh gốc, anh Hậu đã sản xuất chế phẩm vi sinh có lợi chuyên dùng ủ rác, ủ phân hữu cơ, phân bón dạng nước; thuốc bảo vệ thực vật phục vụ trồng trọt của gia đình và cung cấp cho người dân khu vực xung quanh.
Còn tại xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, anh Đỗ Văn Phúc đã ứng dụng thành công phương pháp IMO để tạo phân bón hữu cơ cho vườn hoa cẩm cù. Anh Phúc hiện là chủ vườn hoa cẩm cù rộng 7.000m2 với khoảng 130.000 cây giống và 25.000 chậu hoa thành phẩm.
Vườn hoa cẩm cù của anh Đỗ Văn Phúc ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập được bón phân vi sinh IMO nên sinh trưởng, phát triển tốt
Trong quá trình phát triển vườn hoa, anh Phúc được Thạc sĩ Hoàng Sơn Công, Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài năng Việt Nam, chuyên gia hỗ trợ các cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn hướng dẫn về nông nghiệp hữu cơ. Sau đó, anh bắt đầu ứng dụng phương pháp IMO để tạo phân bón hữu cơ từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Để vườn hoa phát triển bền vững, anh đã học tập, tự sản xuất IMO4, rồi phát triển dần lên IMO6, IMO8 giúp tiết kiệm hàng chục triệu đồng mua phân bón mỗi năm. “Ứng dụng IMO vào vườn cẩm cù không chỉ giúp tôi tiết kiệm chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt mà còn là giải pháp an toàn cho chính công nhân hằng ngày làm việc trong vườn và bảo vệ sức khỏe người mua sản phẩm” – anh Phúc chia sẻ.
Ứng dụng phương pháp IMO vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để khởi nghiệp là cách làm của nhiều thanh niên tại Bình Phước. Từ đó, góp phần thúc đẩy xu hướng “khởi nghiệp xanh”, “sản xuất xanh”, “sống xanh” trong tuổi trẻ tỉnh nhà. Chỉ tính riêng năm 2023, có 7 dự án khởi nghiệp của thanh niên Bình Phước ứng dụng IMO vào trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi. Những dự án này đã được Tỉnh đoàn hỗ trợ, kết nối với các sở, ngành của tỉnh để giúp chủ các dự án thực hiện, qua đó phát huy vai trò tuổi trẻ trong bảo vệ môi trường sống, chống biến đổi khí hậu. |
Lan tỏa lối sống xanh
IMO là một giải pháp chủ động, chi phí thấp, dễ thực hiện, hoàn toàn phù hợp để ứng dụng trong môi trường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và xử lý rác thải. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều thanh niên tại Bình Phước đã tích cực chuyển giao giải pháp vi sinh này cho người dân để hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững và bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – an toàn.
“Tôi ứng dụng IMO vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, nông nghiệp, chế biến thực phẩm bổ sung lợi khuẩn (probiotics). Hiện nay, tôi tập trung ứng dụng probiotics vào chế biến sâu các sản phẩm từ củ nghệ để sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… Đồng thời, quay video về quá trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng các giải pháp vi sinh IMO, sau đó chia sẻ miễn phí trên các kênh mạng xã hội, người dân xung quanh” – chị Đoàn Thị Minh Trâm ở phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành chia sẻ về hành trình lan tỏa lối sống xanh của mình.
Chị Trâm đã được tập huấn về IMO do Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức. Cùng với sự tìm tòi, học hỏi kiến thức về IMO chuyên sâu từ các khóa học, lớp học, qua sách, báo và internet, từ năm 2021 đến nay, chị Trâm đã ứng dụng thành công IMO vào nhiều sản phẩm. Trong đó, tận dụng các nguồn phân chim yến, cá ươn, trứng, vỏ sò, hải sản… để sản xuất phân bón vi sinh với chi phí thấp. Sản xuất các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe từ tinh bột nghệ… Ngoài ra, chị Trâm còn phối hợp với một số địa phương trong và ngoài tỉnh như Đắk Nông, Đồng Nai, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Chơn Thành và một số trường học tại Chơn Thành để hướng dẫn, chuyển giao ứng dụng IMO vào thực tế. Cụ thể như hướng dẫn cách phân loại rác; ủ rác hữu cơ với chế phẩm sinh học từ IMO thành phân bón, lấy phân bón chăm sóc cây xanh trong trường; xử lý mùi hôi nhà vệ sinh trường học với vi sinh IMO; trồng cây bằng phân bón từ rác thải…
Chị Đoàn Thị Minh Trâm (thứ 6 từ trái qua) hướng dẫn giáo viên, học sinh Trường tiểu học Nha Bích, thị xã Chơn Thành xử lý rác thải bằng men vi sinh
Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thị xã Chơn Thành ra mắt Câu lạc bộ “Ứng dụng IMO trong bảo vệ môi trường” vào năm 2023
Còn tại huyện Lộc Ninh, đoàn viên thanh niên xã Lộc Thiện đang lan tỏa, nhân rộng phương pháp IMO vào đời sống hằng ngày. Anh Lê Ngọc Thoan, Bí thư Đoàn xã Lộc Thiện cho biết: Đoàn viên thanh niên xã đã học tập, ứng dụng phương pháp IMO trong xử lý rác thải sinh hoạt. Đồng thời chuyển giao phương pháp này vào xử lý mùi hôi tại các trang trại chăn nuôi heo cho một số hộ dân. Đoàn xã cũng đã vận động kinh phí, lắp đặt, trao tặng hệ thống phun khử khuẩn xử lý môi trường trong trang trại nuôi heo cho 1 hộ dân.
Ông Dương Văn Đoàn, chủ trang trại nuôi heo tại xã Lộc Thiện chia sẻ: Sau 20 năm nuôi heo, nhờ ứng dụng phương pháp IMO mà tôi đã xử lý được khoảng 90% mùi hôi phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Cảm ơn Đoàn thanh niên xã đã chuyển giao hệ thống khử khuẩn tự động cho trang trại. Phương pháp IMO đang được gia đình tôi áp dụng hiệu quả vào chế biến thức ăn cho đàn heo, xử lý chất thải cũng như mùi hôi phát sinh trong quá trình chăn nuôi.
Anh Hoàng Minh Diệu, Phó Bí thư Huyện đoàn Lộc Ninh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng ứng dụng IMO trong tuổi trẻ Lộc Ninh, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt. Chúng tôi khuyến khích đoàn viên thanh niên ứng dụng IMO vào sản xuất phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi để góp phần bảo vệ môi trường sống”.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/167251/cung-nguoi-tre-song-xanh