Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chỉ mất vài phút, chị Lê Thị Huyền Trang ở phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành đã nhận được kết quả giải quyết thủ tục hành chính, sau khi các quy trình thủ tục trước đó đã được chị thực hiện trực tuyến.
Với quy trình 04 bước tại chỗ, gồm “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả ngay tại trung tâm” đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch. Chị Trang cho biết, chị thấy cách xử lý công việc của cán bộ, nhân viên ở đây rất nhiệt tình và chuyên nghiệp, như hướng dẫn các khâu làm hồ sơ trực tuyến và ứng dụng công nghệ vào quy trình thực hiện nên việc xử lý hồ sơ rất nhanh.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, tỉnh Bình Phước đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại phục vụ người dân, nhất là sử dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính, qua đó rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân. Thậm chí một số lĩnh vực thuộc Sở Công Thương đã chuyển đổi tất cả thủ tục hành chính thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, đã rút ngắn thời gian giải quyết từ 40 – 60%.
Anh Nguyễn Đức Tâm Cang, chuyên viên Sở Công Thương, cho biết trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, một tháng phát sinh khoảng 3.000 hồ sơ, nếu doanh nghiệp gửi qua đường bưu điện sẽ mất chi phí khoảng 20.000 đồng/hồ sơ và thời gian kéo dài. Từ khi triển khai xử lý trên môi trường số, không chỉ tiết kiệm chi phí mà hồ sơ được giải quyết trong ngày. Thậm chí có những thủ tục, quá trình tiếp nhận và giải quyết chỉ mất 05 – 10 phút.
Song song với đó, Bình Phước đã rà soát, cắt giảm, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và thời gian giải quyết so với quy định; thực hiện rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và được cập nhật công bố, niêm yết công khai. Đến nay, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đang có hơn 98% số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến; tất cả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa công khai trên Cổng dịch vụ công tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Sở có 139 thủ tục hành chính, trong đó có 117 thủ tục hành chính cấp tỉnh, còn lại là cấp huyện. Đến nay, tất cả thủ tục hành chính của Sở đã thực hiện dịch vụ công toàn trình, giải quyết hoàn toàn trên môi trường mạng. Tất cả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, cắt giảm còn 1/3 thời gian so với quy định. Cán bộ, công chức được phân công công việc đều nắm vững thủ tục hành chính để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết nhanh nhất với tinh thần, thái độ thân thiện.
Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên tinh thần “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”. Trong đó, chú trọng tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội. Tỉnh nỗ lực hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội…
Bình Phước đã thực hiện đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ” để tất cả người dân đủ điều kiện đều được cấp căn cước công dân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, nâng cấp sim 2G lên 4G kèm chữ ký số; nỗ lực hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với quá trình chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử.
Đối với các khu dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Ban điều hành ấp và tổ công nghệ số cộng đồng đã linh hoạt đi tuyên truyền vào buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần. Còn lực lượng công an chia thành các nhóm nhỏ để hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân, nhất là người cao tuổi, những người làm công việc đặc thù không thể đến các điểm hỗ trợ cài đặt tập trung. Cùng với đó là việc giao chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ công nghệ số cộng đồng, phân công cán bộ, công chức hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu “4 phủ”.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, cho biết với địa bàn rộng, huyện có 22% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cả hệ thống chính trị huyện đang quyết tâm rất cao trong thực hiện mục tiêu “4 phủ”. Những mô hình hay, cách làm tốt được nhân rộng. Lãnh đạo huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử, đồng thời kiểm tra, đôn đốc cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn phát sinh.
Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử đang được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, qua đó tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Song song đó, người dân được hỗ trợ để theo kịp tiến trình chuyển đổi số, chính quyền điện tử nhằm giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến, áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, hay kinh doanh./.