Giá cao đầu vụ
Ông Lâm Tấn Đước ở ấp Hưng Thịnh, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh trồng 1,3 ha chôm chôm, trong đó 1 ha giống chôm chôm Tiến Cường đã cho thu hoạch năm thứ 3. Chôm chôm Tiến Cường thuộc dòng chôm chôm Thái, với nhiều ưu điểm vượt trội như trái chùm, sai, to, ngọt đậm, cơm giòn, chắc thịt, ít thối rụng trái, cơm tróc hoàn toàn. Tuy có nhiều ưu điểm nhưng chôm chôm Tiến Cường ít được các nhà vườn trồng trên đất Bình Phước. Vụ mùa năm trước, ông Đước thu hoạch 15 tấn trái, giá bán đầu mùa 40 ngàn đồng/kg, giá cuối vụ chỉ còn một nửa. Nếu tính bình quân giá bán 20 ngàn đồng/kg cho cả vụ thì ông Đước thu về khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 230 triệu đồng. Ông Đước phấn khởi chia sẻ: “Giá đầu vụ bao giờ cũng cao hơn cuối vụ, nếu mình làm sớm, cho thu hoạch sớm sẽ có lời nhiều. Chờ đến khi mùa chôm chôm rộ thì giá rẻ hơn. Vì vậy, năm nay tôi xử lý cây chôm chôm ra hoa sớm”.
Vườn chôm chôm của ông Lâm Tấn Đước ở ấp Hưng Thịnh, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh đang rộ hoa, đậu trái non
Ông Lại Thành Nhơn ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long có 1 ha nhãn xuồng cơm vàng. Gia đình ông cũng bán được nhãn với giá cao nhờ chủ động chăm sóc, đầu tư sớm. Vụ mùa năm 2024, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, khu vườn mất mùa chỉ cho thu hoạch 4 tấn trái, bù lại giá bán đầu vụ cao, 40 ngàn đồng/kg. Nếu tính bình quân giá bán cả vụ 30 ngàn đồng/kg, ông Nhơn thu về 120 triệu đồng chưa trừ chi phí. Từ khi chuyển đổi từ giống nhãn thường sang nhãn xuồng cơm vàng, gia đình ông Nhơn có nguồn thu ổn định hơn trước.
Chăm sóc chủ động
Vào cuối mùa mưa, tháng 11 năm trước, ông Đước bón phân cho cây chôm chôm đầy đủ dinh dưỡng. Khi trời dứt mưa, tiến hành siết nước trong vườn từ 15-20 ngày. Sau thời gian ngưng tưới nước cho cây, quan sát thấy hiện tượng lá héo, các mầm đỉnh co lại như đầu que diêm thì tưới nhử nước. Lượng nước tưới bằng 1/3 nhu cầu của cây, tưới lại sau 2 ngày sẽ giúp cây bung hoa. Khi hoa nhú ra khoảng 60-70%, tưới nước trở lại cho cây. Với cách xử lý này, cây chôm chôm sẽ ra hoa tập trung và sớm hơn bình thường 2-3 tuần. Ông Đước chia sẻ: “Tùy điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của từng vùng mà áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây phù hợp. Qua mỗi năm, tôi càng có thêm kinh nghiệm chăm sóc cây chôm chôm. Muốn xử lý ra hoa sớm phải hiểu quá trình sinh trưởng của cây. Ở vùng đất này trời thường dứt mưa sớm nên tôi làm trước để cây cho thu hoạch sớm hơn những vườn khác. Năm nay, lượng hoa trong vườn rất đạt, chắc chắn cho năng suất cao hơn vụ trước”.
Ông Lại Thành Nhơn (giữa) ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long xử lý vườn nhãn ra hoa, đậu trái sớm đón giá cao đầu vụ
Theo ông Đước, chôm chôm Tiến Cường có ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và giá bán cao hơn những loại chôm chôm khác. Mỗi cây chôm chôm trồng đến năm thứ 5 có thể cho thu từ 40-70kg. Hằng năm, ông Đước thường xử lý cây ra hoa, đậu trái sớm để bán được giá. Mùa chôm chôm năm nay dự kiến thu hoạch vào giữa tháng 4 âm lịch, sớm hơn chính vụ khoảng 20 ngày.
Ngoài kỹ thuật chăm sóc, việc chọn giống cây được thị trường ưa chuộng cũng là yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn. Trước đây, khi còn trồng giống nhãn thường, mỗi năm ông Nhơn thu từ 8-10 tấn trái/ha, giá bán từ 8.000-10.000 đồng/kg. Vì giá bán thấp, cách đây 6 năm, ông Nhơn quyết định chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Đây là giống nhãn có nhiều ưu điểm hơn nhãn thường đã trồng trước đây.
Chúng tôi đến thăm vườn nhãn của gia đình ông Nhơn, thời điểm này vườn nhãn đang ra hoa đồng loạt, nhiều cây đã đậu trái non. Để cây nhãn ra hoa sớm, từ cuối tháng 11 âm lịch năm trước khi trời vừa dứt mưa, ông Nhơn đã áp dụng quy trình siết nước, bón phân kích thích cây ra chồi non, phân hóa mầm hoa. Ông Nhơn chia sẻ: “Vào tháng 5 âm lịch là mùa thu hoạch nhiều loại trái cây ở các vùng, miền như chôm chôm ở tỉnh Đồng Nai, quả vải ở miền Bắc, sầu riêng trong tỉnh và các tỉnh miền Tây… Tôi cố gắng xử lý cây nhãn ra hoa sớm để không trùng vụ thu hoạch những loại trái cây khác và bán được giá cao”.
Trước đây, ấp Thanh An, xã Thanh Lương được xem là “thủ phủ” trồng nhãn của tỉnh Bình Phước, với tổng diện tích khoảng 450 ha. Sau nhiều năm rớt giá, người nông dân gặp khó trong tiêu thụ quả nhãn, nhiều hộ đã chuyển sang cây trồng khác. Diện tích trồng nhãn trên địa bàn thu hẹp dần, nay chỉ còn 127 ha, trong đó nhãn xuồng cơm vàng khoảng 40 ha. Theo nhiều hộ dân trồng nhãn cho biết, giống nhãn thường không còn phù hợp, vườn cây già cỗi cho năng suất kém, giá bán thấp, trong khi cây nhãn xuồng cơm vàng có giá bán rất cao, được thị trường ưa chuộng. Thực tế cho thấy, những hộ trồng nhãn xuồng cơm vàng đều có thu nhập khá, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/171363/cham-soc-cay-don-gia-dau-vu