Cảnh vật nên thơ, hữu tình
Tôi nhớ mãi những ngày của kỳ nghỉ hè lần đầu tiên đi TP. Hồ Chí Minh. Ngày đó, xe khách chưa nhiều như bây giờ và những chuyến xe về Bù Đăng cũng thưa thớt. Tôi đứng đón xe cùng ba má, nhưng có những xe còn chưa biết Bù Đăng là nơi nào. Chuyến xe ít đến nỗi, khi đón được thì cũng ngồi chen chúc, ngồi trên xe giằng, xóc với những ổ gà, ổ voi…, trải qua hơn 6 tiếng đồng hồ về đến nhà thì ai cũng mệt lả. Năm 2004, thời điểm tôi trở thành sinh viên và bắt đầu thời gian học xa nhà, câu chuyện kể của chúng tôi khi ngồi bên nhau đó là về quê hương mình. Và nay, khi đã trưởng thành, nếu có dịp đi đến đâu trong những lần công tác, tôi đều mời những người tôi quen biết, một lần đến mảnh đất quê hương tôi để khám phá miền quê tươi đẹp với trảng cỏ Bù Lạch, thác Voi, thác Đứng, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo và Căn cứ Nửa Lon…
Trảng cỏ Bù Lạch tại xã Ðồng Nai, huyện Bù Ðăng
Trảng cỏ Bù Lạch thuộc xã Đồng Nai, được ví như tác phẩm tuyệt mỹ của thiên nhiên. Với khoảng 20 trảng cỏ kết nối, trong đó trảng lớn nhất gần 100 ha, nơi đây ôm trọn hồ nước trong xanh, là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt. Không gian yên bình, tiếng gió và chim rừng tạo cảm giác thư thái. Đến với nơi này, mọi người còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa độc đáo của người M’nông và S’tiêng đang sinh sống quanh trảng. Bù Lạch không chỉ mang đến vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là nơi trải nghiệm cuộc sống giản dị và phong phú của đồng bào địa phương, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá. Già làng Điểu Tơl ở thôn 5, xã Đồng Nai cho biết: “Trảng cỏ Bù Lạch gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Ngày trước, trảng cỏ không chỉ là nơi cung cấp rau rừng, nơi chăn thả gia súc mà còn là địa điểm tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, nên luôn được bà con gìn giữ”.
Khi đến trảng cỏ Bù Lạch, du khách sẽ được đắm mình trong không khí mát dịu và cảnh quan thơ mộng. Du khách có thể tản bộ khắp trảng cỏ, thỏa thích ngắm nhìn, chụp ảnh, hay dạo quanh hồ yên ả, tận hưởng bầu không khí trong lành. Hãy vào rừng khám phá, hái trái sim và ngắm những bông hoa đỗ quyên rực rỡ sắc màu. Đi theo các lối mòn của người dân địa phương, du khách sẽ chiêm ngưỡng thảm thực vật phong phú và nhiều loài phong lan treo mình trên cây, hoặc tham gia hái rau rừng cùng các cô gái M’nông, S’tiêng. Chỉ cần băng qua khoảng 100m rừng, du khách sẽ gặp những trảng cỏ khác và một ngày có lẽ không đủ để khám phá hết vẻ đẹp nơi đây.
Ngoài ra, trảng cỏ còn là nơi tổ chức các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào S’tiêng, M’nông, mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa phong phú và đáng nhớ.
“Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với rừng núi và thác nước, Bù Đăng còn nổi bật với những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như S’tiêng, M’nông và Châu Mạ, những đồng bào sinh sống lâu đời tại đây. Những lễ hội truyền thống như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, cùng với các phong tục tập quán đặc sắc khác tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú”. Bà THỊ DIỆU HIỀN, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Ðăng |
Ẩm thực nơi đây cũng là một phần quan trọng, giúp du khách cảm nhận rõ hơn về đời sống của người dân. Các món ăn độc đáo như canh thụt, thịt heo rừng lai và rau rừng không chỉ mang đến hương vị mới lạ mà còn chứa đựng câu chuyện văn hóa và lịch sử của địa phương. Sự hòa quyện giữa thiên nhiên tuyệt đẹp và văn hóa độc đáo của Bù Đăng hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên, khẳng định Bù Đăng là điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất và con người Bình Phước.
Cách trung tâm thị trấn Đức Phong khoảng 7km, thác Đứng được thiên nhiên kiến tạo độc đáo, mang vẻ hoang sơ và được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất tỉnh Bình Phước. Nằm trên dòng chảy của suối Đắk Woa thuộc xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, thác chảy mạnh giữa màu xanh bạt ngàn của rừng và nương rẫy. Âm vang tiếng thác vọng khắp một góc rừng. Năm 2014, thác Đứng được UBND tỉnh xếp hạng danh thắng cấp tỉnh và nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của giới trẻ vào cuối tuần.
Thác Ðứng tại xã Ðoàn Kết, huyện Bù Ðăng
Nét văn hóa riêng có
Những ngày tháng tuổi thơ tôi ở miền quê Bù Đăng còn nhiều gian khổ nên khi lớn lên đi học xa mới biết yêu và nhớ những cái mộc mạc, giản dị ở quê mình. Giờ lớn lên tôi thích được đi nhiều nơi nhưng xa thì nhớ, thì thương. Một Bù Đăng trong tim đầy thương nhớ. Nói đến Bù Đăng không mấy ai biết, nhưng chỉ cần nhắc đến giai điệu của ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng thì ai cũng biết. Quê tôi đó – Bù Đăng với địa danh đã đi vào lịch sử – Tiếng chày trên sóc Bom Bo.
Tháng 10-2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước khánh thành Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, dự án quan trọng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa và lịch sử của người S’tiêng, đồng thời tạo nên một điểm du lịch độc đáo cho huyện Bù Đăng. Khu bảo tồn rộng khoảng 113,4 ha. Đây không chỉ là không gian bảo tồn văn hóa và kiến trúc mà còn là “địa chỉ đỏ” giới thiệu lịch sử hào hùng của đồng bào sóc Bom Bo trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.
Chị Thị Xia ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cho biết: “Từ khi khu bảo tồn được khánh thành, đi vào hoạt động, đời sống sinh hoạt và kinh tế của đồng bào đã có sự thay đổi rõ rệt. Người dân ngày càng ý thức gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc mình đến bạn bè trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là du khách quốc tế khi đến tham quan sóc Bom Bo”.
Những ai đến Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo sẽ được trải nghiệm các sản phẩm làng nghề truyền thống đặc trưng của người S’tiêng ở sóc Bom Bo; thưởng thức những món ăn mang dấu ấn của người S’tiêng như lá nhíp, đọt mây, rau rừng, măng, thịt heo rừng lai, gà thả vườn và canh thụt… Ngoài ra, đến với nơi đây du khách còn được tham gia vào các tiết mục múa hát, đánh cồng chiêng do đội văn nghệ thanh niên Bom Bo biểu diễn. Đặc biệt, du khách có thể hòa mình cùng các chàng trai, cô gái S’tiêng bên ánh lửa bập bùng, thưởng thức âm thanh của cồng, chiêng và chày giã gạo, cùng nhau nâng chén rượu cần thắm tình đoàn kết.
Bù Đăng – mảnh đất đâu chỉ có cảnh sắc tươi đẹp, văn hóa độc đáo, mà còn đó những người con chân chất, dễ mến. Thời gian sẽ là thước đo giá trị nhất để minh chứng cho điều này.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/20/166935/bu-dang-di-la-nho-den-la-yeu