PHÁT TRIỂN VỚI “TƯ DUY KINH TẾ NÔNG NGHIỆP”
Định hướng phát triển ngành nông nghiệp Bình Phước theo quy hoạch mới đã bổ sung thêm cách tiếp cận “cụm ngành và chuỗi giá trị để có thể làm nổi bật các vấn đề quan trọng bên cạnh cách tiếp cận phân theo 3 ngành kinh tế gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ”. Tiếp cận cụm ngành và chuỗi giá trị cho thấy liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để thấy được sự phát triển cân đối, hài hòa và đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Ngành nông nghiệp Bình Phước cũng sẽ phát triển với tư duy kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành.
Hạt điều sau khi thu hoạch được phơi khô trước khi đưa vào chế biến – Ảnh: Tiến Dũng
Quy hoạch tỉnh Bình Phước cũng xác định sẽ phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái…
Đối với việc trồng, chế biến và tiêu thụ điều, duy trì hoặc giảm diện tích, nâng cao chất lượng hạt điều; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, tập trung vào các khâu chế biến và tiêu thụ; đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chống gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ; thúc đẩy các tác nhân tham gia cụm ngành. Tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị; thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá và bán hàng để tăng giá trị sản phẩm điều Bình Phước, vốn đã có thương hiệu. Đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối cũng như tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí thời gian và các khoản chi phí không chính thức.
Ông Trần Văn Hà, hộ trồng điều tại thôn 7, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng chia sẻ: “Tôi rất vui khi ngành nông nghiệp và các ngành liên quan được quy hoạch đẩy mạnh phát triển thương hiệu “Hạt điều Bình Phước” theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản phẩm; ưu tiên xuất khẩu, tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để nông dân thực sự tham gia vào liên kết chuỗi giá trị từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu mua và chế biến, xuất khẩu; thúc đẩy phát triển cơ giới hóa và ưu tiên đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chú trọng mã số vùng trồng”.
Về trồng, chế biến và tiêu thụ cao su, tỉnh chủ trương giảm diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ cao su và gỗ ván trên nguyên tắc: lấy doanh nghiệp làm trung tâm và dựa theo các tín hiệu thị trường. Làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các đối tác liên quan về việc chuyển đổi một số diện tích cao su hiện tại sang các mục đích sử dụng có giá trị cao hơn. Thúc đẩy các tác nhân tham gia cụm ngành, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị. Ông Trịnh Đình Sự, nhà nông trồng cao su ở ấp Chà Lon, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản chia sẻ: “Cây cao su có vai trò rất quan trọng và tôi tin sẽ tiếp tục là cây trồng chủ lực của tỉnh. Các yếu tố để cao su là cây trồng chủ lực đó là dễ chăm sóc và cho thu nhập ổn định. Quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch trồng, chế biến cao su sẽ giúp người dân yên tâm gắn bó lâu dài với cây cao su”.
Về trồng, chế biến và tiêu thụ cây ăn trái, tỉnh chủ trương mở rộng diện tích có kiểm soát bằng tiêu chuẩn và phương thức sản xuất để đảm bảo phát triển sản phẩm có thương hiệu, chất lượng trong xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu. Thu hút các nhà máy chế biến hoặc hình thành các chuỗi giá trị để trái cây có thể vào những chuỗi phân phối chính thức. Ông Hoàng Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sầu riêng Long Phú, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: “Cây ăn trái nói chung và cây sầu riêng phát triển bền vững, ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua có năng lực liên kết với các hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời quan tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến sau thu hoạch cho các hợp tác xã”.
Để nâng tầm giá trị các loại cây trồng chủ lực, đòi hỏi phải thay đổi tư duy nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng sản phẩm, xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… nhằm xây dựng chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu cho cây trồng, sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư chế biến, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, xúc tiến thương mại và xây dựng, duy trì thương hiệu các sản phẩm chủ lực trong nước và quốc tế. Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân |
Bình Phước đã tạo được những vùng nguyên liệu lớn, tập trung, vùng sản xuất cao su, điều đứng đầu cả nước. Diện tích cao su 242.588 ha (chiếm 26% diện tích cả nước), diện tích điều 149.520 ha (chiếm 49% diện tích cả nước). Bên cạnh đó, hồ tiêu 12.878 ha, cà phê 14.020 ha, sầu riêng 7.822 ha. Tỉnh đã có 77 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch với diện tích 4.523,84 ha và 9 cơ sở đóng gói.
5 GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG HƠN
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định ngành nông nghiệp sẽ phát triển với 5 giải pháp cụ thể, đó là:
Thứ nhất: Tái cơ cấu mạnh mẽ nhóm ngành, cây trồng, vật nuôi. Phát triển vùng nguyên liệu, cụm ngành, sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm nâng cao hiệu quả. Mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước nói chung…
Cây sầu riêng đang là cây ăn trái chủ lực được phát triển tại Bình Phước – Ảnh: Phú Quý
Thứ hai: Phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị sản xuất; gắn kết chặt chẽ sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ. Tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với hợp tác xã và nông dân theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển thị trường nông sản.
Phương án phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung: Tổ chức các khu nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và thị xã Bình Long. (Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) |
Thứ ba: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; kết nối nông thôn với đô thị; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ. Tiếp tục đầu tư phát triển nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với chất lượng và quy mô ngày càng nâng cao hơn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới, mỗi năm làm thêm khoảng 500km đường giao thông nông thôn. Hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước. Phát triển các khu dân cư tập trung gắn với phát triển nông thôn theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển dần từ canh tác nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Thứ tư: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát triển chăn nuôi theo hướng vùng an toàn dịch bệnh. Triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ ứng dụng trên cơ sở hiệu quả kinh tế; ưu tiên triển khai các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, thiết thực, phù hợp với quy trình canh tác và thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển giao cho sản xuất.
Thứ năm: Đẩy mạnh, phát huy vai trò của hộ sản xuất, các tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp. Phát huy vai trò của các chủ thể trong việc phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Với định hướng chiến lược và các giải pháp cụ thể, ngành nông nghiệp Bình Phước đang đứng trước cơ hội phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong thời gian tới. Cùng với sự quyết tâm và đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Bình Phước sẽ vươn mình trở thành điểm sáng nông nghiệp của cả nước, mang lại sự thịnh vượng cho cộng đồng và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/555/166492/binh-phuoc-se-vuon-minh-tro-thanh-diem-sang-nong-nghiep