Bình Dương thông xe 2 dự án hạ tầng quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ
Tuyến đường tạo động lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng và cầu Bạch Đằng 2 khi thông xe sẽ kết nối Bình Dương với các địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Ngày 23/9, tỉnh Bình Dương thông xe 2 dự án hạ tầng quan trọng là tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng và cầu Bạch Đằng 2.
Dự án đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng có tổng chiều dài gần 48 km, đi qua 3 huyện gồm Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng và 1 đoạn nhánh 5 km nối từ ngã 3 Tam Lập, huyện Phú Giáo đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng đi qua nhiều dự án khu công nghiệp sắp xây dựng tại Bình Dương |
Điểm đầu của dự án tại ngã ba Tân Thành giao nhau với đường ĐT 746 huyện Bắc Tân Uyên và điểm cuối tại thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng).
Tuyến đường có quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h với tổng mức đầu tư hơn 5.256 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 3.067 tỷ đồng và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 1.531 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Mai Hùng Dũng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, tuyến đường này là một mắt xích quan trọng trong hệ thống giao thông của tỉnh và khu vực.
Tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương, góp phần thu hút đầu tư, tạo việc làm, cải thiện đời sống của người dân.
Được biết, tuyến đường này đi qua nhiều khu công nghiệp mà Bình Dương sẽ khởi công trong thời gian tới như Khu công nghiệp Cây Trường, huyện Bàu Bàng.
Cũng trong ngày 23/9, tỉnh Bình Dương khánh thành cầu Bạch Đằng 2, nối xã Bạch Đằng (TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Cầu Bạch Đằng 2 – Nguồn:binhduong.gov.vn |
Dự án có tổng chiều dài hơn 2,8 km, trong đó phần cầu dài 410 m, rộng 17 m, xây dựng thành 4 làn xe. Tổng mức đầu tư Dự án là gần 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành cầu Bạch Đằng 2 sẽ sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông của người dân, giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp TP. Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương với TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.