Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: Tỉnh Bình Phước tiếp tục đổi mới nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững theo đúng quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo”, xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Phước.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa – Ảnh: Như Nam
Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bình Phước trong thời kỳ mới theo tinh thần nghị quyết. Tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của lĩnh vực văn hóa và thực tiễn địa phương; phát triển văn hóa – xã hội phải kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực then chốt cho công tác quản lý văn hóa và cho các ngành văn hóa đặc thù. Đội ngũ làm công tác văn hóa phải luôn phấn đấu nỗ lực, trở thành những sứ giả văn hóa, là lực lượng nòng cốt để tham mưu cho cấp ủy, cho ngành, khơi dậy các giá trị văn hóa, khát vọng vươn lên của tỉnh Bình Phước.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, truyền thông, đáp ứng yêu cầu chuyển tải các giá trị văn hóa đến công chúng. Chú trọng hiện đại hóa mạng lưới phát thanh, truyền hình, báo chí, internet… gắn với tăng cường công tác quản lý. Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, đội ngũ văn nghệ sĩ phải đi đầu trong giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa Bình Phước đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa và xây dựng Bình Phước thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa; chủ động đón nhận thời cơ, thách thức để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, con người Bình Phước; tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch chất lượng cao mang đậm bản sắc, cốt cách con người Bình Phước, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của tỉnh, xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Sớm có chủ trương, giải pháp, đề án, kế hoạch cụ thể về lĩnh vực văn hóa để “Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng”, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, góp phần đưa tỉnh Bình Phước phát triển bứt phá, khát vọng vươn lên, sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào các dân tộc từ khắp mọi miền đất nước đến vùng đất Bình Phước sinh sống, lập nghiệp ngày càng nhiều với 41 thành phần dân tộc, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng, miền. Những trầm tích văn hóa kết tinh trong các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng những phẩm chất đặc trưng, cốt cách con người Bình Phước đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thưc hiện, tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản về văn hóa, văn học, nghệ thuật, chú trọng xây dựng các phong trào, cuộc vận động về phát triển văn hóa thiết thực, phù hợp và đạt được những kết quả phấn khởi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 25 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 45 di tích được xếp hạng… Kế thừa truyền thống cách mạng của vùng đất anh hùng, cùng với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước đã nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. |
Ngọc Bích