Những ngày qua, trên một số diễn đàn và trang mạng xã hội ở hải ngoại xuất hiện cái được gọi là Hội anh em dân chủ (HAEDC) dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền”, nhưng thực chất là vì mưu đồ chính trị cá nhân điên cuồng viết bài, đăng tin xuyên tạc, kích động, gây rối chống phá, đi ngược lại lợi ích của Đảng và nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là việc lợi dụng hình ảnh nhóm khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk nhằm rêu rao, vu khống về đất nước Việt Nam. Xin khẳng định rằng, đường lối lãnh đạo phát triển đất nước và thành tựu đạt được trong những năm đổi mới vừa qua là minh chứng khẳng định, sự lựa chọn con đường, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tất yếu, hợp quy luật, phù hợp nhu cầu, khát vọng của nhân dân. Bằng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và những luận điểm khẳng định trong cuốn sách “Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tác giả luận giải sự thành công của Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới là những minh chứng đanh thép vạch trần luận điệu xuyên tạc của HAEDC trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội ở hải ngoại thời gian gần đây.
Xã hội phát triển thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người
Xã hội thực sự vì con người chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, cũng là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam lựa chọn, kiên định, kiên trì theo đuổi. Con số thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cung cấp, đó là, ở thời điểm năm 1988, GDP bình quân đầu người của nước ta chỉ có 88 USD, thì đến năm 2021, con số này đạt 3.779 USD1 và hiện tại là 4.162,9 USD, tăng hơn 31,5 lần trong vòng gần 40 năm qua. Từ thành quả trong phát triển kinh tế là điều kiện căn bản để Việt Nam tạo dựng một xã hội lấy con người ở vị trí trung tâm; con người được đối xử bình đẳng, công bằng không chỉ ở góc độ phân phối mà còn công bằng trong việc tiếp cận cơ hội phát triển, tiếp cận các nguồn lực nhằm phát triển toàn diện. Đối với cơ cấu tỷ lệ hộ nghèo trong xã hội, xin dẫn ra một vài chỉ số mà chính trong báo cáo trên worldbank.org, tính đến tháng 1-2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới ở nước ta giảm xuống chỉ còn 4,8%.
Với con số nêu trên xin khẳng định, tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% số hộ ở Việt Nam vào thập niên 90 của thế kỷ XX, sau 3 thập niên, tỷ lệ này đã giảm hơn 10 lần2. Đây là một minh chứng đanh thép phản bác lại những gì mà HAEDC rêu rao, chống phá. Vậy, mục đích của sự chống phá này là gì? Tại sao tổ chức HAEDC lại làm như vậy? Hẳn mọi người đều có câu trả lời và hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của HAEDC.
Xã hội có sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu, nghèo và bất bình đẳng
Có thể khẳng định, đặc trưng, thuộc tính cơ bản, quan trọng định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần khẳng định, ở Việt Nam không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không thể “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà ngược lại, xây dựng một chế độ mà trong đó mỗi một chính sách (quyết sách) kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội, vì con người, vì nhân dân; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng như hướng tới, chăm sóc những người có công, người hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đây cũng là yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của xã hội Việt Nam; đây chính là những giá trị cao đẹp mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.
Nhân đây xin đưa ra một số dẫn chứng trong cuốn sách Tư bản thế kỷ XXI của tác giả Thomas Piketty để thấy cái “thiên đường” mà HAEDC đang cổ xúy có thực sự như thế hay không? Hay nó chỉ là một sự ảo vọng, lấp liếm hoặc một mưu đồ nào đó. Thomas Piketty đã chỉ ra trong Quan hệ Kuznets cho thấy, sự phát triển kinh tế sẽ kéo theo bất bình đẳng thu nhập của các nước phương Tây. Với các số liệu thực chứng, Thomas Piketty đã kết luận, chính chủ nghĩa tư bản sẽ sinh ra các bất bình đẳng ngày càng to lớn và làm cho các bất bình đẳng đó ngày càng nặng nề hơn. Từ những nhận định của Thomas Piketty, vậy HAEDC sẽ giải thích về điều này như thế nào đây, hay lại cố tình lờ đi hoặc là chiêu trò nhập nhèm, ngụy biện?
Cũng xin dẫn ra thêm đoạn trích nữa về những châm biếm của Thomas Piketty đối với cái xã hội mà các ông đang dung dưỡng, cổ xúy: Cánh cửa của “dân chủ – khát vọng – bình đẳng” chỉ là những ảo tưởng, cánh cửa đó đã đóng sập lại. Ngay từ năm 1975, bất bình đẳng về thu nhập của người dân châu Âu đã bắt đầu quay trở lại và ngự trị trong toàn bộ gia đình châu Âu… và đất nước được xem là hình mẫu, đi đầu của bình đẳng và dân chủ nhất, dẫn dắt thế giới thì ngay trong chính lúc này đây lại đang là nước có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất toàn cầu. Thomas Piketty đã cho thấy với số liệu và một bức tranh thật giật mình: 1% người Mỹ chiếm tới 20% toàn bộ thu nhập hằng năm của xã hội Mỹ và 10% số người tiếp theo chiếm khoảng 50% tài sản còn lại, 90% dân số Mỹ còn lại chiếm 30% tổng thu nhập của toàn bộ nước Mỹ. Về tài sản tích lũy thì độ tập trung vốn trong giới “siêu giàu” còn cao hơn cả độ tập trung thu nhập: 1% người giàu có sở hữu 35% tài sản của nước Mỹ; 10% chiếm tới 50% tài sản của Mỹ và 90% nhân dân lao động của nước Mỹ còn lại sở hữu gần 20% tổng tài sản quốc gia. Xu hướng này xảy ra khắp nơi, mặc dù châu Âu hơi “chậm chân” hơn so với nước Mỹ3.
Dẫn ra những dữ liệu nêu trên để thấy sự nực cười khi cái xã hội mà HAEDC đang tôn thờ lại méo mó, hỗn tạp đến thế. Sự méo mó này đáng lẽ ra cần được lên án, nhưng lại chẳng lên án, phê phán mà lại đi dạy dỗ về dân chủ, bình đẳng, bác ái là sao, thưa các vị?
Xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân
Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hướng tới giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc, được biết bao thế hệ người Việt Nam gìn giữ và phát huy qua lịch sử dựng nước và giữ nước. Ở mỗi một hoàn cảnh lịch sử, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái lại được thể hiện bằng những hành động thiết thực. Xin được dẫn ra một vài ví dụ để các ông, các bà trong HAEDC thấy rõ hơn sự đoàn kết, tương thân, tương ái ở Việt Nam trong thời gian gần đây:
Ngược dòng thời gian, giai đoạn 2019-2022, khi dịch Covid-19 lây lan, bùng phát tại Việt Nam đã gây khó khăn chồng chất, song, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân đã đoàn kết, đồng lòng chống dịch. Biết bao hình ảnh đẹp con người Việt Nam, nhân cách và phẩm giá người Việt Nam đã hy sinh bản thân mình để vào vùng chống dịch; họ đã nhường nơi ở của mình cho kiều bào về nước; họ đã bớt khẩu phần ăn của mình để dành cho những công nhân mắc kẹt tại huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), thậm chí họ đã nhường nhau những mũi tiêm vắc xin cho người già, trẻ nhỏ và công dân nước ngoài.Những người Việt Nam làm như vậy bởi trong họ có một tình yêu lớn lao dành cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam, bởi họ xác định họ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam, khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng hy sinh, còn khi thời bình họ thầm lặng làm một người dân tử tế, một công dân tốt. Vậy các ông thì sao, thưa HAEDC? Những người mà trong khẩu hiệu các ông luôn hô hào “đoàn kết, tương trợ, yêu nước…”, lúc ấy các ông, các bà ở đâu và đã làm gì cho dân tộc Việt Nam này?
Xã hội mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có
Mong ước tốt đẹp của Đảng, nhân dân Việt Nam là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội – đây chính là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã lựa chọn và kiên định. Ở chế độ xã hội này, tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa với bộ máy của mình hướng tới thi hành pháp luật để bảo đảm các quyền của nhân dân lao động trong xã hội được thể hiện và khẳng định nhân dân thực sự là chủ thể của quyền lực chính trị. Nhà nước ấy khác xa về bản chất Nhà nước tư sản – Nhà nước phục vụ cho mục đích và bảo vệ lợi ích của số ít trong xã hội, mà cụ thể hơn là phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản thống trị trong xã hội.
Ở đây chúng tôi chỉ dẫn ra cho các ông, các bà thấy Thomas Piketty trong cuốn sách của mình đã minh chứng cho thấy cái xã hội mà các vị đã và đang tôn thờ đó là gì? Nó là một xã hội mà hình thái cai trị và quyền hành chỉ có ở trong tay của một nhúm người và hợp sức để nhân lên thành “tập đoàn thống trị” và trong đó chỉ có những kẻ đóng đủ thuế mới có cái quyền được gọi là “bỏ phiếu” để rồi sau đó quyền quyết định thực sự và tất cả nằm trong tay cái được gọi là “tinh hoa”. Và lẽ dĩ nhiên, tinh hoa ấy lại là: người cầm đầu các tập đoàn hay đại diện của họ, những lãnh đạo chính trị, những đầu sỏ tài chính, những ông chủ của các tập đoàn vũ khí, những trùm truyền thông và công nghệ… được câu kết với nhau tạo thành những đẳng cấp trong xã hội, bàn bạc và thỏa hiệp với nhau để quyết định những vấn đề trong xã hội, để rồi đưa ra áp dụng cho xã hội chỉ với mục đích duy nhất là phục vụ cho lợi ích của những nhóm người này. Thực tiễn Thomas Piketty cho thấy cũng là cái mà các ông, các bà đã nhìn và thấy trong cuộc cạnh tranh của nước Mỹ giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cho thấy rõ điều này hơn bao giờ hết. Đó là sự mặc cả của các tập đoàn “thiểu trị cầm quyền” thông qua sự câu kết giữa giới cầm đầu kinh tế, tài chính với đại biểu chính trị hướng tới thỏa mãn “lợi ích hội tụ của họ” và chỉ của họ mà bất chấp lợi ích chung của toàn xã hội và Mỹ là nơi có sự thao túng đời sống chính trị điển hình nhất, mãnh liệt nhất nhưng được bao phủ bên ngoài bởi những luận điệu dân chủ kiểu phương Tây. Đến đây chắc chẳng cần nói các ông, các bà cũng thừa hiểu những vấn đề này, nhưng điều tôi luôn thắc mắc rằng: tại sao các ông, các bà cứ cố tình bỏ qua, lảng tránh vấn đề này? Phải chăng bản chất thực sự bên trong là một sự cay cú, lạc điệu mơ hồ về những điều cũ kỹ trong sâu thẳm các vị. Nhưng thôi đó là việc của các ông, các bà, chúng tôi chỉ khuyên các vị một điều: Nếu không làm được điều gì có ích lợi cho dân tộc mình, nòi giống mình thì các vị hãy im lặng, chăm chỉ làm việc nơi “xứ người” chứ đừng ồn ào nữa nhé!
Nhân đây, chúng tôi cũng thông báo với các vị rằng, thời gian qua, cuốn sách “Tư bản luận” của C.Mác và những cuốn sách có liên quan là sách bán chạy nhất ở Nhật Bản. Đài truyền hình NHK của nước này đưa tin, chỉ riêng cuốn sách phân tích về “Tư bản luận” của Phó giáo sư Kohei Saito thuộc Đại học Osaka, xuất bản cuối năm 2020, đến nay đã bán được 300.000 bản. Trước đó, vào cuối năm 2008, sách “Tư bản luận” của C.Mác bỗng nhiên bán chạy gấp 3 lần bình thường trên thị trường sách các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Italy…
Vì sao “Tư bản luận” bán chạy? Câu trả lời đã được giới chuyên gia khẳng định: Mỗi khi hệ thống tư bản có vấn đề, đặc biệt là về công bằng xã hội thì người ta lại tìm đọc C.Mác. Vì Mác là người phân tích “gan ruột” hệ thống tư bản chính xác nhất.
Xin kết lại bài viết bằng sự khẳng định rõ ràng, dứt khoát rằng, chế độ xã hội mà nhân dân Việt Nam lựa chọn là một xã hội vì sự tiến bộ của con người, phục vụ lợi ích nhân dân. Xã hội đó khác với những gì mà những người của HAEDC đang rêu rao hay cố tình đánh lận các giá trị tiến bộ của đất nước chúng tôi; hoặc giả ai đó đang quy kết vô căn cứ bằng việc cố tình thổi phồng hay bóp méo một trong những hạn chế nào đấy trong quá trình phát triển của Việt Nam. Nhân đây, chúng tôi xin mượn lời của Thomas Piketty để kết thúc cho bài viết như sau: “…bất bình đẳng là tâm điểm phân tích là một vấn đề quan trọng mà không cần giải thích tại sao, đơn giản chỉ chứng minh rằng nó tồn tại và nó đã trở nên trầm trọng hơn như thế nào trong chính chế độ tư bản chủ nghĩa 4. Và thật nực cười hơn bao giờ hết cho những gì mà HAEDC đang xuyên tạc, bịa đặt và kết luận vô căn cứ, thiếu thuyết phục những gì đang diễn ra ở Việt Nam nhằm biện minh cho một động cơ, ý đồ xấu, phản động.
1. Xem và tổng hợp theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 9.
2. Xem: https://www.worldbank.org/vi/country
3. Xem và tham khảo tổng hợp số liệu tại: Thomas Piketty (2021), Tư bản thế kỷ XXI; Nxb Trẻ.
4. Xem và tham khảo tại:https://www.ft.com/content/0c6e9302-c3e2-11e3-a8e0-00144feabdc0#axzz2yz1aCVku.