Tư duy nhà nông
Nhà nông Lầu Sỹ Nịp đã có gần 40 năm gắn bó với nghề nông trên vùng đất thuộc thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng. Hơn 10 năm trước, ông từng đốn hạ cả một nông trại điều, cà phê với tổng diện tích 30 ha để trồng nhãn. Sau 5 năm, đến khi cây có trái mới biết mình trồng nhầm giống, thêm một lần nữa ông phải “bấm bụng” đốn nhãn chuyển sang trồng bưởi và sầu riêng. Chưa dừng lại ở đó, ông thuê đất trồng thêm giá tỵ, bông giấy, dừa, chà là, nhãn, sầu riêng với tổng diện tích gần 50 ha. Từ canh tác nông nghiệp vô cơ, ông chuyển sang canh tác nông nghiệp hữu cơ, từ chuyên canh sang đa canh để thích ứng với thị thường và biến đổi khí hậu. Vườn cây ăn trái đa tầng, đa tán của ông đang dần chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp phục vụ du khách yêu thích miệt vườn. Đó cũng là cách để ông quảng bá thương hiệu cho vườn cây ăn trái của mình.
Nông dân trên địa bàn tỉnh đang từng bước ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản
30 năm là khoảng thời gian nhà nông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 6, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng gắn bó với cây sầu riêng. Ngoài 15 ha sầu riêng của gia đình, ông còn thuê thêm 50 ha sầu riêng để làm kinh tế nông nghiệp. Cùng với phân chuồng, ông Hùng còn mua cả tấn trứng gà để phối trộn cùng chế phẩm EM làm phân vi sinh bón cho vườn cây. Nhờ cách làm này, 5 năm trước, vườn cây của gia đình ông đã đạt chứng nhận GlobalGAP. Năm 2022, khi nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực, vườn sầu riêng của gia đình ông được đặc cách cấp mã số vùng trồng đầu tiên của tỉnh Bình Phước. Với ông, việc canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp nhà nông có 3 cái lợi trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. “Mình làm nông nghiệp hữu cơ có cái lợi trước mắt là cây sầu riêng không bị nhiễm tuyến trùng dẫn đến thối thân, xì mủ. Cái lợi thứ hai là anh em công nhân không bị nhiễm hóa chất trong quá trình canh tác nông nghiệp. Và cuối cùng là người tiêu dùng có sản phẩm sạch, an toàn để sử dụng” – ông Hùng bộc bạch.
Các nông hộ trên địa bàn huyện Bù Đăng ứng dụng chuyển đổi số trong canh tác sầu riêng
Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Phước, nhà nông trẻ Trần Văn Quyết ở thôn 3, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đã đầu tư trồng 20 ha sầu riêng giống Blacthon. Thế nhưng anh chỉ cần 3 công chăm sóc. Từ bón phân, tưới nước, phun thuốc đều thông qua hệ thống công nghệ tưới tiết kiệm. Từng hàng sầu riêng trong trang trại đều được đánh số thứ tự để quản lý tình hình sâu bệnh hại cũng như chất lượng đầu ra cho nông sản. “Đầu tư ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nhà nông tiết kiệm tối đa công lao động mà còn từng bước hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp” – anh Quyết cho hay.
Ông Huỳnh Long Hải ở ấp K54, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh có hơn 30 năm gắn bó với cây hồ tiêu. Vụ mùa vừa qua, vườn tiêu hơn 1 ha của gia đình ông cho năng suất gần 2 tấn. 5 năm qua, vườn tiêu luôn đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ vậy, hồ tiêu của gia đình ông được công ty thu mua 193.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 150.000 đồng/kg. Có được kết quả này là nhờ quy trình nhân giống, ứng dụng chế phẩm IMO trong canh tác hồ tiêu. Đây là quy trình được huyện Lộc Ninh triển khai trong năm 2024 để giúp người dân chuyển đổi phương pháp canh tác nông nghiệp từ vô cơ sang hữu cơ, từ hóa học sang sinh học để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thời gian qua, các hợp tác xã, người dân đã ứng dụng những giải pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phân bón, thuốc hóa học. Đây là một trong những hợp phần của nền nông nghiệp hữu cơ. Nó tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. |
Tiến sĩ NGUYỄN VĂN BẮC Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp |
Dấu ấn năm 2024
Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Phước đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình, dự án để từng bước hiện thực hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đặc biệt là các chương trình, đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 14.000 ha diện tích cây trồng được chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn sạch, tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học. Toàn tỉnh hiện có 77 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 4.500 ha phục vụ thị trường xuất khẩu.
Có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, sầu riêng Bình Phước được đánh giá cao trong việc tuân thủ tiêu chí của các nước nhập khẩu
Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn, theo chuỗi giá trị, giảm dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, chuỗi liên kết chăn nuôi. Tổng đàn đại gia súc của tỉnh hiện có hơn 52 ngàn con. Việc chăn nuôi heo tiếp tục phát triển với tổng đàn hơn 2 triệu con phân bổ ở 421 trại, trong đó hệ thống trại kín, lạnh chiếm gần 70%… Nhờ chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn dịch bệnh gắn với liên kết chuỗi, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong năm 2024 tăng 5,5%, tiếp tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ.
Bình Phước tiếp tục là trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu điều của cả nước
Năm 2024, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương các cấp đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, giúp diện tích cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển đúng theo quy hoạch. Sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ kỹ thuật toàn ngành từ tỉnh đến huyện đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số nông nghiệp, từ đó đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản.
Người dân đang chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ mô hình sản xuất cá thể sang tập thể gắn với 210 hợp tác xã và 111 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Từ nguồn nguyên liệu cây trồng, vật nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể đã xây dựng được 141 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Toàn tỉnh có 79 xã về đích nông thôn mới. Đến cuối năm 2024, các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Đồng Phú, Phú Riềng và thị xã Chơn Thành hoàn thành các thủ tục, tiêu chí về đích huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là tiền đề, động lực để ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu, giải pháp cho năm 2025 với nhiều tín hiệu lạc quan.
Năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,2% so với năm 2024. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 1 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt nông thôn mới. |
2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI với mục tiêu tổng quát cho cả giai đoạn 2020-2025 là: “Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Trên cơ sở đạt được của năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Phước tự hào và tin tưởng sẽ đạt được các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/167888/nong-nghiep-binh-phuoc-chuyen-minh