Tổng kế hoạch nguồn vốn đã phân bổ giai đoạn 2022-2024 gần 850 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 624 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 225 tỷ đồng. Kết quả giải ngân nguồn vốn đến ngày 15-12 hơn 530 tỷ đồng (đạt 63% kế hoạch), trong đó vốn đầu tư phát triển đạt 73%, vốn sự nghiệp đạt 33%.
Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chương trình giai đoạn 2021-2025 đề ra: Với những cách làm thiết thực, số hộ nghèo của Bình Phước giảm rất sâu, hiện chỉ còn 600 hộ nghèo. Số thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn chỉ tiêu giao 13 thôn, đến nay đã có 26 thôn. Tỷ lệ xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%. Tỷ lệ thôn có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa đạt 100%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt trung bình 99,7%. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình đạt trung bình 100%…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chương trình có nội dung, quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều ngành nên phát sinh một số vấn đề về quy định, nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình. Các dự án đầu tư nhỏ lẻ và có nhiều dự án, dẫn đến số lượng hồ sơ thủ tục phải triển khai nhiều. Một số địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các xã đã về đích nông thôn mới, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, đưa vào sử dụng đã lâu đến nay đã xuống cấp nhiều, trong khi điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn nên chưa cân đối, bố trí để nâng cấp, sửa chữa kịp thời…
Tại buổi làm việc, Bình Phước kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, hỗ trợ kinh phí để tỉnh xây dựng 2 lò hỏa táng cho đại diện cộng đồng người Khmer Bình Phước từ nguồn vốn Chương trình giai đoạn 2026-2030; xem xét, hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình giai đoạn 2026-2030 để tỉnh triển khai thực hiện xây Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS-THPT Điểu Ong; xem xét, cho sử dụng nguồn vốn Chương trình giai đoạn 2026-2030 để tỉnh triển khai thực hiện nâng cấp, sửa chữa kịp thời một số công trình cơ sở hạ tầng đã đầu tư thuộc các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc địa bàn các xã đã về đích nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Với quyết tâm cao trong chỉ đạo và điều hành, Bình Phước đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển kinh tế – xã hội, cũng như thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tạo sinh kế, an sinh xã hội, giảm nghèo với những chính sách riêng được cả hệ thống chính trị của tỉnh tích cực vào cuộc bằng nhiều giải pháp thiết thực đã mang lại những kết quả khả quan.
Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh cho rằng: Cùng với những nỗ lực của địa phương thì những kiến nghị của tỉnh mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của đoàn công tác với những giải pháp căn cơ. Bởi khi hạ tầng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư sẽ tác động rất tích cực đến đời sống người dân.
Biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như các giải pháp thực hiện của Bình Phước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Nhiệm vụ thời gian tới, trong quá trình thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, Bình Phước quan tâm đến chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và chính sách giảm nghèo. Bởi đây là những chính sách đặc thù, nên khi sắp xếp bộ máy cần quan tâm đến đội ngũ thực hiện các chính sách phải hiểu, phải rõ, phải uy tín trong quá trình thực hiện để chương trình, chính sách đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Trưởng đoàn công tác ghi nhận, đồng thời cho biết trong chương trình làm việc với các địa phương, đoàn công tác sẽ đánh giá, tổng hợp ý kiến cụ thể, từ đó sẽ xây dựng mục tiêu cũng như các giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới để chương trình đạt hiệu quả thiết thực.
Nguồn: https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/hoat-dong-lanh-dao-tinh/doan-cong-tac-cua-bo-truong-chu-nhiem-uy-ban-dan-toc-lam-viec-tai-binh-phuoc-40061.html