Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. |
Dự lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là một phần quan trọng trong trục giao thông Bắc – Nam, kết nối Bình Dương và Bình Phước với các tuyến đường huyết mạch như Vành đai 2, 3, 4 TP Hồ Chí Minh, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, các sân bay và cảng biển lớn. Tuyến đường được kỳ vọng không chỉ giảm tải giao thông mà còn tăng cường giao thương, phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đoạn qua tỉnh Bình Phước có tổng chiều dài tuyến khoảng 6,6 km, vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25,5 m, tốc độ thiết kế 100 km/h, kèm làn dừng khẩn cấp. Khi hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ mở rộng lên 6 làn xe. Toàn tuyến bao gồm 4 nút giao liên thông, 2 điểm ra vào, 26 cây cầu và các hầm chui đảm bảo lưu thông dân sinh.
Điểm đầu giáp 2 tỉnh Bình Dương – Bình Phước và điểm cuối là thị xã Chơn Thành (Bình Phước) với tổng kinh phí 1.474 tỷ đồng. Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, với sự cam kết về nguồn vốn ngân sách địa phương. Đây là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông bền vững, hiện đại.
Thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2026; trong đó năm 2024 chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt báo cáo chủ trương đầu tư, lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công xây dựng; năm 2025 – 2026 tiếp tục thi công xây dựng và phấn đấu hoàn thành dự án đưa vào sử dụng cuối năm 2026.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, việc xây dựng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch được duyệt. Cùng với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) góp phần hình thành các trục giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, tạo ra trục giao thông quan trọng làm tiền đề phát triển các khu hạ tầng dọc theo tuyến đường, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông./.