Nhân rộng các mô hình khởi nghiệp
Thời gian qua, tại Bù Đốp, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ngày càng phát triển, trong đó có nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho các hộ dân.
Những ngày này, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị em trong Tổ sản xuất sản phẩm đan móc xã Thiện Hưng lại cùng nhau học các kiểu đan móc mới. Những con thú bông xinh xắn hay các bông hoa bắt mắt bằng len là sản phẩm được tạo ra từ những đôi bàn tay khéo léo của các chị. Được thành lập từ năm 2020, dưới sự quản lý của Hội LHPN xã Thiện Hưng, tổ sản xuất trở thành nơi trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ mẫu sản phẩm và niềm đam mê đan len thủ công của nhiều phụ nữ tại Bù Đốp.
Chị Trần Nữ Thùy Dung, Chủ nhiệm Tổ sản xuất sản phẩm đan móc xã Thiện Hưng cho biết: Do đam mê đan móc từ nhỏ nên tôi đã nuôi ý tưởng khởi nghiệp từ các sản phẩm len. Vì vậy, tôi đã tập hợp những chị em có năng khiếu, đam mê đan len để thành lập tổ sản xuất. Chúng tôi lựa chọn các màu sắc sặc sỡ, bắt mắt và dựa theo các mẫu đang thịnh hành để tạo thành sản phẩm. Nhiều sản phẩm nhỏ chỉ vài chục ngàn đồng, tuy nhiên một số mặt hàng có giá hàng trăm ngàn đồng tùy đơn đặt hàng của khách. Ngoài ra, chúng tôi được Hội LHPN huyện, tỉnh tạo điều kiện đưa các sản phẩm đi trưng bày, triển lãm tại nhiều sự kiện của huyện, tỉnh. Năm 2023, sản phẩm của tổ đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây chính là niềm vui, sự động viên lớn để các thành viên trong tổ tiếp tục nỗ lực sản xuất ra nhiều sản phẩm đẹp, độc đáo.
Thành viên Tổ sản xuất sản phẩm đan móc xã Thiện Hưng hướng dẫn nhau thực hiện kiểu đan móc mới
Để sản phẩm dễ dàng tiếp cận với người xung quanh, các chị em đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mới theo những trào lưu đang thịnh hành của giới trẻ, được nhiều học sinh, người dân ưa thích, từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em trong tổ. “Vì đam mê đan len nên khi tổ sản xuất thành lập, tôi đã nhanh chóng tham gia. Trung bình mỗi tháng, tôi cũng có thêm vài triệu đồng từ bán các sản phẩm len. Những tháng hè hay dịp lễ thì thu nhập sẽ cao hơn vì lúc đó đơn hàng tăng lên. Từ đan len, bản thân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình” – chị Võ Thị Mỹ Duyên, thành viên tổ sản xuất cho biết.
Hiện nay, tổ sản xuất có 25 thành viên nòng cốt, các chị đã nhiệt tình chỉ dạy cho nhiều chị em khác, trong đó có các chị em khuyết tật. Chị Dung chia sẻ thêm, sản phẩm của chúng tôi bán rất chạy, hầu như sản xuất đến đâu, bán hết đến đó. Chúng tôi mong muốn sẽ tạo việc làm cho nhiều chị em tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Tiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nấm đông trùng hạ thảo PN Bình Phước, thị trấn Thanh Bình cho biết: Phụ nữ vốn được xem là chân yếu, tay mềm nên khi phụ nữ khởi nghiệp nghe to tát và rất khó, theo tôi, chỉ cần quyết tâm, đam mê thì nhất định sẽ thành công. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho bản thân, hiện nay, có khoảng 50 phụ nữ tại Bù Đốp đã tham gia mạng lưới bán hàng trực tuyến cùng HTX chúng tôi và có thêm thu nhập ổn định. Đây là điều khiến tôi rất phấn khởi.
Chị Nguyễn Thị Tiên (áo đỏ) giới thiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo cho khách hàng
Tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ sinh học, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, với số vốn tích cóp được cùng những kiến thức đã học, năm 2022, chị Tiên và 7 thành viên khác đã thành lập HTX nấm đông trùng hạ thảo PN Bình Phước. Từ đó, chị xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị để nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Đến nay, HTX đã phát triển thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi và nhiều sản phẩm khác như: nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, yến chưng đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, rượu đông trùng hạ thảo…
Khoảng 80% sản phẩm của HTX đang được bán trên các nền tảng công nghệ và kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. 20% còn lại chủ yếu cung ứng cho các đối tác nhà yến trên địa bàn tỉnh để họ sản xuất yến đông trùng hạ thảo. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, tiếp thêm động lực để HTX tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng đội ngũ kinh doanh, marketing phát triển thương hiệu.
“Bệ đỡ” cho phụ nữ khởi nghiệp
Có thể khẳng định phong trào khởi nghiệp của phụ nữ huyện Bù Đốp đã diễn ra sôi nổi và tích cực. Nhiều hội viên đã rất sáng tạo, chịu khó học hỏi, tìm tòi hướng đi mới trong kinh doanh, từ đó tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm khởi nghiệp, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương. Đồng hành với các chị là sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ.
Hội LHPN huyện Bù Ðốp trao vốn cho các mô hình phụ nữ khởi nghiệp
Thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tại Bù Đốp đã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng và hướng dẫn hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, thực hiện các mô hình tiết kiệm, mô hình sinh kế chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, tuyên truyền nâng cao kiến thức về khởi nghiệp, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi… Năm 2024, hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện giải ngân vốn khởi nghiệp cho 4 chị, với 800 triệu đồng; phối hợp với Hội LHPN tỉnh giải ngân vốn hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo gần 2 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tuyên truyền, triển khai đến các cơ sở hội nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay… Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH huyện giải ngân 141 tỷ 7 triệu đồng cho 2.644 hộ phụ nữ vay phát triển kinh tế.
Chị Thái Thị Huỳnh Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bù Đốp cho biết: Ngoài các hoạt động hỗ trợ vốn, mở các lớp tập huấn cho phụ nữ khởi nghiệp, chúng tôi còn tổ chức “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo” để tạo cơ hội cho chị em gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những giải pháp nhằm phát huy cao nhất tiềm năng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của phụ nữ. Đây cũng là cơ hội để các chị có ý tưởng khởi nghiệp kết nối đầu tư, tư vấn hoàn thiện mô hình kinh doanh, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế của phụ nữ Bù Đốp, tạo động lực để các chị vươn lên làm chủ kinh tế, khẳng định vị thế bản thân trong gia đình và xã hội.
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ huyện Bù Ðốp tổ chức 6 hội thi, hội nghị tập huấn cho hơn 750 chị tham gia; có 10 dự án của phụ nữ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, vùng và Trung ương. Trong đó 1 dự án đoạt giải nhất, 1 dự án đoạt giải nhì, 1 giải ba cấp tỉnh; thành lập 2 HTX, 3 tổ hợp tác, 4 tổ nghề… thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia. |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/165403/ho-tro-phu-nu-khoi-nghiep