Nhìn chung, giá heo hơi tuần qua tăng giảm 1.000 đồng/kg. Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh thành dao động trong khoảng 61.000 – 66.000 đồng/kg. Dù tiêu thụ thịt heo nhiều nhưng người Việt ít biết 1kg thịt lợn phát thải 4,84kg CO2.
Giá heo hơi hôm nay 18/8: biên động tăng giảm nhẹ. (Nguồn: Ausfarm) |
Giá heo hơi hôm nay 18/8
*Giá heo hơi tại miền Bắc:
Tại thị trường heo hơi miền Bắc, giá thu mua đồng loạt đi ngang trong tuần qua.
Hiện, khu vực hai tỉnh Lào Cai và Ninh Bình đang triển khai giá heo hơi chung mốc 64.000 đồng/kg – ghi nhận mức giá thấp nhất khu vực.
Nhỉnh hơn một giá là khu vực các tỉnh Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình và Hà Nam, với giá 65.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại tiếp tục ấn định giá đi ngang.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc trong khoảng 64.000 – 66.000 đồng/kg.
Hải Dương sẽ tiêm 60.500 liều vaccine để phòng dịch tả heo châu Phi ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Số liều vaccine này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trên cơ sở đăng ký của các địa phương.
Trong đó, huyện Bình Giang được phân bổ nhiều nhất với khoảng 9.000 liều, huyện Thanh Miện ít nhất với khoảng 2.700 liều. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn heo, đàn heo thịt; nhu cầu tiêm vaccine cho đàn heo thịt để thực hiện mua tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm.
Cấp huyện bố trí kinh phí mua vaccine dịch tả heo châu Phi, công tiêm phòng và thực hiện tiêm phòng tập trung, đồng bộ cho đàn heo thịt tại khu vực có nguy cơ cao, các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ.
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại (quy mô vừa và lớn) chủ động phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi và tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn heo theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc tiêm sẽ được triển khai đồng loạt sau khi các địa phương mua xong vaccine dịch tả heo châu Phi.
Tỉnh bố trí kinh phí tập huấn kỹ thuật tiêm phòng vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; mua vật tư, hóa chất, Báo Hải Dương thông tin.
*Giá heo hơi tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Tuần qua, heo hơi tại miền Trung – Tây Nguyên được điều chỉnh trái chiều 1.000 đồng/kg.
Sau khi cùng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, khu vực ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa cùng triển khai giá heo hơi ở mức 63.000 đồng/kg.
Trái lại, giá heo hơi tại Lâm Đồng ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg, hạ xuống còn 63.000 đồng/kg.
Thương lái tại các địa phương còn lại vẫn giao dịch heo hơi với giá không đổi.
Hiện tại, giá heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 61.000 – 64.000 đồng/kg.
*Giá heo hơi tại khu vực miền Nam
Ở khu vực phía Nam, giá heo hơi giảm 1.000 đồng/kg tại nhiều nơi.
Trong đó, Đồng Tháp điều chỉnh giá heo hơi về mức thấp nhất khu vực 61.000 đồng/kg – ngang với Vĩnh Long.
Cùng lúc, heo hơi tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP. HCM, Bình Dương và Tiền Giang được thu mua chung mức 62.000 đồng/kg.
Tại Tây Ninh và Hậu Giang, thương lái giao dịch heo hơi chung mức 63.000 đồng/kg.
Hiện giá thu mua tại miền Nam dao động trong khoảng 61.000 – 64.000 đồng/kg.
* Là quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 6 trên thế giới, mỗi năm người Việt Nam ăn gần 34kg thịt lợn. Nhưng ít người biết, 1kg thịt lợn phát thải 4,84kg CO2 ra môi trường.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ 2021-2023, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước có thị phần sản lượng thịt lợn cao nhất thế giới. Trong số 10 quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 6.
Nếu tính trung bình khối lượng lợn tiêu chuẩn xuất chuồng là 90kg, một con lợn phát thải khoảng 438kg CO2 tương đương, tức cứ 1kg thịt lợn phát thải ra môi trường khoảng 4,84kg CO2 tương đương.
Như vậy, với số lượng đầu lợn xuất chuồng của chúng ta dao động khoảng 50 triệu con mỗi năm, lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi lợn là lớn nhất ngành, khoảng 22 triệu tấn CO2 tương đương/năm.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Theo dự thảo, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức là, hàng nghìn trang trại chăn nuôi lợn ở nước ta sẽ phải thực hiện kiểm kê, sau đó thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết, một phần lượng chất thải trong ngành chăn nuôi lợn được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống công trình khí sinh học tạo năng lượng tái tạo, nuôi côn trùng…