“Khi chúng tôi phát triển đến một mức độ nhất định cần các cơ quan liên quan định hướng quy hoạch để phát triển nhà máy đạt tiêu chuẩn năng lượng xanh của thế giới, sản xuất sản phẩm nông nghiệp chuyên sâu và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như quốc tế” – ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX thương mại – dịch vụ Phước Thiện, huyện Bù Đốp chia sẻ.
Mới có 3.587 ha đạt chứng nhận hữu cơ
Tính đến ngày 31-12-2023, toàn tỉnh Bình Phước có 274 HTX nông nghiệp, trong đó có 213 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 61 HTX tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và 1 liên hiệp HTX với 4 HTX thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp ước đạt 3.520 triệu đồng/năm, lãi bình quân ước đạt 148 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp ước đạt 54 triệu đồng/năm.
Công nhân Công ty TNHH sản xuất – thương mại Ba Đảo (TX. Phước Long) chế biến sâu múi sầu riêng để nâng cao chuỗi giá trị cho trái sầu riêng – Ảnh: Đông Kiểm
Hiện toàn tỉnh có 53 HTX trồng trọt thực hiện dịch vụ liên kết đầu vào, đầu ra và chuỗi giá trị cho thành viên với mức độ khác nhau. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ nét cho sản xuất nông nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có 11.600 ha cây trồng sản xuất sạch, hữu cơ, trong đó 3.587 ha đạt chứng nhận hữu cơ. Cụ thể, có 5.800 ha điều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, 3.500 ha điều đạt chứng nhận hữu cơ Mỹ/EU do 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều tham gia liên kết với 24 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, trang trại; 2.000 ha hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance, 65 ha được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ/EU, 60 đơn vị trồng hồ tiêu với diện tích 65,1 ha tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam.
Dưa lưới hoàng kim của Nông trại Sunfarm, huyện Đồng Phú – Ảnh: Đặng Hùng
Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 4.500 ha cây ăn trái sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 40 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác đã được cấp mã vùng trồng (sầu riêng) với diện tích khoảng 1.700 ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 20 HTX nông nghiệp có sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.
Một số “rào cản”
Những năm gần đây, kinh tế HTX có bước phát triển theo mô hình HTX kiểu mới. Tuy nhiên, so với tiềm lực của tỉnh nông nghiệp như Bình Phước, sự phát triển này chưa tương xứng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Đa số thành viên HTX và hội đồng quản trị chưa nhận thức đầy đủ về bản chất mô hình HTX kiểu mới, thành viên chưa hiểu hết vai trò của mình. Từ đó dẫn đến sản xuất rời rạc, nhỏ lẻ chưa tạo nên chuỗi sản xuất gắn kết. Bên cạnh đó, năng lực quản trị của hội đồng quản trị cũng là “rào cản” lớn trong phát triển HTX. Bởi những người quản trị HTX đa số là nông dân sản xuất giỏi, đã có tuổi, tích cực trong hoạt động, nhưng với HTX là mô hình kinh tế độc lập, đòi hỏi phải có trình độ quản trị.
Vùng nguyên liệu của HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp, huyện Bù Đốp – Ảnh: Đặng Hùng
Một “rào cản” khác là tiêu chí số 13.1 trong xây dựng nông thôn mới yêu cầu mỗi xã có 1 HTX hoạt động tốt, hiệu quả, tuy nhiên trong quá trình tư vấn cho nhóm sáng lập viên thành lập HTX chưa đầy đủ dẫn đến chưa biết cách vận hành, có HTX thành lập xong chưa hoạt động đã giải thể. Nhận thức của một bộ phận thành viên còn e dè khi chuyển đổi qua mô hình HTX kiểu mới, nên một số HTX vẫn hoạt động theo kiểu cũ.
Đầu tư máy móc vào chế biến sản phẩm là ưu tiên của Hợp tác xã cà phê nguyên chất Bù Đốp, huyện Bù Đốp – Ảnh: Đặng Hùng
Sản phẩm cà phê hữu cơ của HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp, huyện Bù Đốp – Ảnh: Đặng Hùng
Ngoài ra, vốn điều lệ, vốn góp của các thành viên thấp, chưa thực chất, đa số các HTX nông nghiệp thiếu vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh, phần lớn các HTX còn khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng do tài sản thế chấp không bảo đảm. Ông Trần Xuân Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp, huyện Bù Đốp cũng nhận định, khó khăn lớn của HTX vẫn là thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và chế biến sâu. Từ đó gặp khó khăn về xây dựng chuỗi giá trị, nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Làm gì để “xé rào”?
Xác định được “rào cản”, thì sẽ có giải pháp để “xé rào” nhằm đưa các HTX nông nghiệp phát triển đúng vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế nói chung. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đề xuất: Hội đồng quản trị HTX phải có năng lực quản trị, hiểu rõ về mô hình hoạt động của HTX kiểu mới, từ đó vận động thành viên hoạt động hiệu quả đúng nguyên tắc và lợi ích. Đồng thời, HTX phải xác định được chiến lược phát triển, trong đó xác định sản phẩm chủ lực và mô hình chủ đạo để tạo ra nguồn thu nuôi HTX và tái tạo nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, HTX cũng phải chủ động về nội tại, trong đó nội tại về nguồn lực, có thể thuê giám đốc HTX để vận hành hoạt động tốt hơn. Về nội lực tài chính, các HTX phải chủ động huy động nguồn vốn vay, vốn tài trợ về máy móc, thiết bị. Chủ động tiếp cận các chính sách của Nhà nước để tận dụng nguồn lực phù hợp với nhu cầu của HTX. Nghiên cứu, đánh giá lại hoạt động của HTX để đề xuất nhu cầu được tiếp cận chính sách và đào tạo phù hợp với mô hình hoạt động của mình.
Đối với ngành liên quan, tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp đầu tiên, đặc biệt khi Luật HTX năm 2023 có hiệu lực, làm sao để nông dân trong toàn tỉnh hiểu đầy đủ về mô hình HTX kiểu mới, quyền lợi cũng như trách nhiệm khi tham gia vào mô hình kinh tế này. Để làm được điều đó thì cán bộ của Liên minh HTX tỉnh phải được đào tạo bài bản, đầy đủ kiến thức khi tư vấn cho các nhóm sáng lập viên chuẩn bị thành lập HTX, cũng như tập huấn lại cho các HTX đã và đang hoạt động yếu kém cần làm gì và làm như thế nào để hoạt động hiệu quả.
Tăng cường công tác tư vấn thành lập mới cũng là yếu tố quan trọng. Hiện nay, Liên minh HTX đã thành lập tổ tư vấn thành lập mới và củng cố HTX, khi đơn vị nào có nhu cầu được tư vấn thành lập HTX thì tổ tư vấn sẽ đến khảo sát, nghiên cứu, phân tích vấn đề và tư vấn trực tiếp cho nhóm sáng lập viên.
Đối với Nhà nước, nghiên cứu lại chính sách, xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bộ các nguồn lực cho HTX. Trong đó cần phân nhóm HTX để hỗ trợ. Có thể chia làm 3 nhóm gồm: HTX hoạt động tốt, trung bình và yếu để đề xuất chính sách hỗ trợ HTX phát triển theo năng lực và ưu thế hiện có. Cùng với đó phải giải quyết dứt điểm các HTX đang ngưng hoạt động và giải thể. Nếu để kéo dài các HTX này thì sẽ ảnh hưởng đến những HTX đang hoạt động hiệu quả. |
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG |
6 tháng đầu năm 2024, tổ tư vấn thành lập mới và củng cố HTX của Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn cho 7 nhóm sáng lập viên, trong đó có 2 nhóm đã quyết định thành lập HTX. 5 nhóm còn lại do chưa đủ tự tin về các điều kiện nên đang tiếp tục tìm hiểu thêm. Đây là điều đáng mừng bởi một khi các nhóm sáng lập viên đủ tự tin, có kiến thức hoàn chỉnh thì HTX sẽ hoạt động hiệu quả.
Nếu những vấn đề nêu trên được giải quyết, HTX sẽ là “đòn bẩy” đưa kinh tế tập thể của tỉnh ngày càng phát triển bền vững, phát huy tốt hơn vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng trong thời gian tới.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/161341/go-kho-cho-kinh-te-hop-tac-xa