Bình Phước là cửa ngõ đồng thời là cầu nối kết nối vùng Tây Nguyên với đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia. Đây là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ, phía đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, phía tây giáp Tây Ninh, phía nam giáp Bình Dương và Đồng Nai, phía bắc và tây bắc giáp Campuchia.
Khí hậu Bình Phước được chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau. Bình Phước đẹp nhất vào xuân, từ khoảng cuối tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Lúc này, trời nắng rực rỡ, rừng cao su chuyển màu vàng cam. Đan xen giữa màu vàng của rừng cao su là những vườn điều rực rỡ sắc màu. Sang tháng 3 đầu tháng 4, hoa cà phê bắt đầu nở trắng.
Thành phố Đồng Xoài. Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Xoài
Di chuyển
Trung tâm Bình Phước là thành phố Đồng Xoài, cách TP HCM khoảng 120 km. Bình Phước là tỉnh có QL 13 và 14 đi qua theo hai hướng nên để di chuyển đến Bình Phước, bạn có thể lựa chọn các phương tiện như ôtô, xe khách, xe máy tùy điểm đến và điểm xuất phát.
Vé xe khách từ TP HCM đến Bình Phước, khởi hành từ bến xe miền Đông về thành phố Đồng Xoài, huyện Phú Riềng, huyện Bù Đăng, thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập của các nhà xe như Thành Công, Kim Mạnh Hùng, Mai Huy Thanh, Petro Bình Phước. Nếu đi về huyện Lộc Ninh, thị xã Bình Long, thị xã Chơn Thành, huyện Hớn Quản, huyện Bù Đốp có thể lựa chọn các nhà xe như Hoàng Yến, Út Linh, Thiên Bảo Phúc, Nhật Trường. Giá vé xe khách dao động từ 100.000 đến 180.000 đồng một người, thời gian xe chạy khoảng 3-4 tiếng.
Nếu muốn chủ động thời gian và tự do dừng nghỉ, du khách nên đi ôtô cá nhân, xe máy hoặc thuê xe riêng từ TP HCM theo hướng QL14 để đến Đồng Xoài hoặc theo hướng QL13 để về Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản. Đường đi thuận tiện.
Lưu trú
Có khá nhiều lựa chọn lưu trú tại Bình Phước. Khách sạn Bom Bo, Spa An Lộc & Hotel, Mỹ Lệ là những cơ sở được đánh giá cao. Giá phòng dao động từ 550.000 đến khoảng 3,4 triệu đồng một đêm. Một số nhà nghỉ hoặc các khách sạn 1-2 sao ở thành phố Đồng Xoài có giá giá từ 150.000 đến 500.000 đồng một đêm.
Nếu muốn hòa mình với thiên nhiên, bạn có thể liên hệ với Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập để đặt dịch vụ lưu trú (ngủ phòng hoặc cắm trại giữa rừng), giá lưu trú mỗi người 100.000 đồng một đêm.
Cắm trại ở hồ thủy điện Thác Mơ. Ảnh: Thanh Tuấn
Chơi đâu
Từ trung tâm thành phố Đồng Xoài, trong bán kính khoảng 80km, Bình Phước có rất nhiều nơi để khám phá. Thiên nhiên nơi đây đẹp với nhiều thác nước, vườn quốc gia, sự đa dạng trong văn hóa bản địa và các di tích lịch sử. Do đó nên chia các tuyến tham quan trong khoảng 3 ngày 2 đêm, hoặc dài hơn để khám phá trọn vẹn.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) nằm ở phía đông bắc tỉnh Bình Phước, cách thành phố Đồng Xoài khoảng 90 km theo TL741. Bù Gia Mập thuộc vùng đất thấp của nam Tây Nguyên, có đỉnh núi cao nhất 700 m so với mực nước biển. Bên cạnh việc lưu trữ nhiều loại gen quý hiếm với hệ động thực vật phong phú, đây còn là điểm đến phù hợp với những người thích mạo hiểm và mê thiên nhiên hoang dã.
Trekking trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Đắc Sơn
Để khám phá vườn quốc gia, bạn cần dành ít nhất 2 ngày một đêm. Khoảng thời gian này đủ để trải nghiệm nhiều điểm như thác Đắk Mai, hồ Hoa Mai, thăm cây di sản, hòa mình vào thiên nhiên, tham quan di tích điểm cuối đường dẫn ống xăng dầu Bắc-Nam. Buổi tối là khoảng thời gian thích hợp để tổ chức giao lưu văn hóa, thưởng thức những món ăn độc đáo của đồng bào S’tiêng và đi soi thú đêm trong rừng.
Núi Bà Rá
Nằm ở độ cao 730 m so với mực nước biển, núi Bà Rá được xem là ngọn núi cao thứ ba ở Nam bộ, sau Bà Đen (Tây Ninh) và Chứa Chan (núi Gia Lào, Đồng Nai). Bà Rá nằm trên địa phận phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, cách thành phố Đồng Xoài khoảng 50 km, là điểm đến của nhiều chuyến trekking. Đồng bào S’tiêng gọi ngọn núi này là “Bơnom Brah” có nghĩa là “ngọn núi Thần”. Ở đây không khí trong lành và khung cảnh rất đẹp. Từ trên đỉnh núi, có thể nhìn thấy những vùng lân cận hay hồ Thác Mơ dưới chân núi.
Rừng cao su
Rừng cao su mùa thay lá. Ảnh: Phước Tuấn
Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ cao su nên du khách có thể bắt gặp rừng cao su ở khắp nơi. Cây cao su được trồng xen lẫn giữa các rừng cây non và già tạo nên một dải đất rộng bạt ngàn như một bức tranh sơn dầu với đủ các gam màu từ xanh non, xanh thẫm đến vàng. Vào khoảng cuối năm, du khách có thể đến đây tổ chức picnic, ngồi trên những thảm lá khô dày, êm, ngắm lá vàng rơi và chụp những bức ảnh đẹp.
Chùa Sóc Lớn
Chùa Sóc Lớn thuộc ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, cách trung tâm thị trấn Lộc Ninh khoảng 10 km. Đây là ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, được xây dựng từ năm 1931, với diện tích hơn 1.200 m2. Ở chùa, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về đời sống tâm linh của người bản địa và trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa và sinh hoạt lễ hội truyền thống của người Khmer. Ngôi chùa được xem như một “bảo tàng” giúp bạn có cái nhìn toàn diện về phong tục, tập quán, tôn giáo, và bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Khmer.
Sóc Bom Bo
Khu du lịch sóc Bom Bo. Ảnh: Bình Phước TV
Sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) được biết đến nhiều qua tên bài hát nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Từ thành phố Đồng Xoài du khách đi theo QL14 hướng về Bù Đăng khoảng 50km. Sóc Bom Bo với nhịp chày giã gạo của người dân S’tiêng đã đi vào thơ ca, lịch sử. Đến đây, bạn sẽ biết thêm về cuộc sống của người S’tiêng và được hồi tưởng lại những năm tháng xưa với tiếng cồng chiêng, tiếng chày giã gạo trong ánh lửa,nhà dài truyền thống, khu phục dựng bản làng và món ăn đặc trưng.
Căn cứ Tà Thiết
Căn cứ Tà Thiết (Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam) là di tích lịch sử quốc gia thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, có diện tích 3.500 hecta. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, căn cứ được xây dựng quy mô, hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, trường lớp dựng chắc chắn, bảo đảm tốt cho việc huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tà Thiết được xem là địa chỉ đỏ cách mạng, là điểm du lịch về nguồn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng và du khách cả nước nói chung.
Lâm viên Mỹ Lệ
Với diện tích khoảng 50 ha, lâm viên Mỹ Lệ (xã Long Hưng, huyện Phú Riềng) có không gian giao thoa giữa núi đồi và ao hồ, thuận lợi về đường giao thông khi chỉ cách thành phố Đồng Xoài khoảng 30 km. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm thực tế ở các vườn cây ăn trái, đồi chè ôlong. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch, bạn có thể tận tay hái chôm chôm, bưởi, măng cụt… Du khách sẽ được đi tàu điện để thưởng lãm khung cảnh đồi chè hay đạp xe, đi xe trâu và thưởng thức quả ngọt, ngắm vườn bánh thú với nhiều chủng loại.
Đồi chè ở Lâm Viên Mỹ Lệ. Ảnh: Nguyễn Nam
Trảng cỏ Bù Lạch
Trảng cỏ tọa lạc tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, nằm giữa rừng núi và thác, suối với diện tích khoảng 500 ha. Ở giữa trảng cỏ có hồ nước lớn, bao quanh là rừng nguyên sinh bạt ngàn. Theo tiếng địa phương, chữ “lạch” trong tiếng M’nông có nghĩa là trảng, trong trảng lại có cái bàu nước nên có tên là Bàu Lạch, gọi chệch đi là Bù Lạch. Du khách tới đây sẽ được chiêm ngưỡng đồng cỏ xanh mướt pha lẫn với màu tím hoa sim. Không gian yên tĩnh, cùng tiếng gió rì rào quyện lẫn tiếng chim rừng sẽ giúp bạn thoải mái, thư giãn. Trong thời gian tới, trảng cỏ Bù Lạch sẽ được quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái.
Hồ thủy điện Cần Đơn
Nằm trên địa bàn xã huyện Bù Đốp, nhà máy có diện tích lòng hồ gần 36 km2. Lòng hồ Cần Đơn nhìn từ trên cao xuống như con rồng uốn lượn. Công trình thủy điện Cần Đơn có đập cao 44 m chặn dòng ngăn sông với độ dài 1.130 m, độ rộng mái 7 m. Đập tràn với kết cấu bê tông cốt thép, 5 khoang tràn. Thủy điện Cần Đơn là công trình trữ nước và phát điện trên hệ thống sông Bé, thượng nguồn chính là thủy điện Thác Mơ. Diện tích hồ lớn, cùng cảnh quan rừng ngập nước đẹp, nơi đây đã phát triển thêm ngành du lịch lòng hồ, câu thả lưới.
Khu du lịch Đảo Yến Sơn Hà
Đảo Yến Sơn Hà (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) là khu du lịch sinh thái có diện tích khoảng 10 ha được phủ một lớp xanh của rừng cây tạo nên bầu không khí mát mẻ. Ngoài những vẻ đẹp đến từ cảnh sắc thiên nhiên thì nơi đây còn có nhiều trò chơi khác phù hợp cho khách du lịch có thể dẫn theo trẻ em đến vui chơi, trải nghiệm như hồ bơi, thăm quan đảo nuôi yến, thú và đầm sen ở thượng nguồn bằng canô, chơi thuyền và đạp vịt, tham quan vườn tượng, phòng trưng bày di sản văn hóa.
Các thác nước
Thác Voi là nằm trong quần thể sinh thái trảng cỏ Bù Lạch. Theo người dân sinh sống lâu năm, trước đây khu vực này có nhiều voi chết, xương chất đầy tạo thành những ngọn đồi nên có tên gọi thác Voi. Với độ cao khoảng 15 m, thác được ví như nàng tiên xõa mái tóc dài. Đường đến thác Voi khá nhỏ, gập ghềnh, theo những ngọn đồi. Tuy nhiên, sau khi đến thác bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng và lãng mạn.
Thác Đắk Mai là một trong những điểm tham quan còn khá hoang sơ, tại Bù Gia Mập, liền với Vườn quốc gia. Thác có chiều rộng khoảng 50 m và chiều cao 12 m. Để đến thác này, bạn phải vượt qua những đoạn đường đồi dốc . Trên mặt nước là một lớp đá có hình thù và kích thước không đồng nhất, khá bằng phẳng bởi sức nước của dòng thác bào mòn. Khi bước trên đá cảm giác phải dò từng bước.
Thác Đăk Mai. Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Xoài
Thác Đứng được thiên nhiên ban tặng những nét kiến tạo độc đáo và được coi là một trong những con thác đẹp nhất tỉnh. Thác có độ cao chừng 5-6m, rộng khoảng 10 m nhưng lại có một dòng chảy nhanh, mạnh xuống những phiến đá, tung bọt trắng xóa. Dưới thác có nhiều tảng đá lớn và hai bên bờ là những thảm cỏ, tán cây. Những tảng đá này còn được xếp nối tiếp nhau tạo thành một đường đi cho du khách có thể qua lại hai bên bờ vào những ngày mưa nước chảy nhẹ.
Chùa Quang Minh
Chùa Quang Minh. Ảnh: Huỳnh Tấn
Chùa Quang Minh tọa lạc trên một gò đất cao với cổng tam quan lớn mang kiến trúc tân cổ, nằm ngay trên QL14, thuộc phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài. Ngôi chùa được khởi công xây dựng từ khoảng năm 1950 và được trùng tu lại vào năm 1990. Ngôi chùa gây ấn tượng từ vẻ bề ngoài khi mang một nét cổ kính với những mái ngói đỏ đặc trưng. Trên đỉnh tháp chùa Quang Minh treo một đại hồng chung (chuông lớn) với ý niệm tiếng chuông vang lên mang đến bình yên cho mọi người.
Ăn uống
Bình Phước là nơi định cư và sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau nên các món ăn truyền thống đa dạng, kết hợp nhiều loại nguyên liệu, thể hiện tính đoàn kết cộng đồng.
Thịt lợn thả rông
Đây là đặc sản của sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng). Đây là loại lợn được nuôi thả, không dùng thức ăn chế biến nên thịt hầu như không có mỡ, ngọt và dai, thường được người dân S’tiêng nuôi. Thịt có thể chế biến làm nhiều món như nướng, giả cầy, hấp. Thịt lợn nướng ăn kèm với chuối chát, rau sống, nhất là rau rừng.
Gỏi hạt điều
Gỏi hạt điều. Ảnh: Nguyễn Nam
Một món ăn mà khi đến Bình Phước nhất định phải thử đó là món gỏi hạt điều. Hạt điều thay thế cho đậu phộng (lạc) kết hợp với thịt ba chỉ, tôm sú và rau thơm đã tạo nên một dĩa gỏi có cân bằng về hương vị, thơm ngon và mát. Đây cũng là món ăn bình dân, mỗi món dao động 30.000-50.000 đồng tùy nhà hàng.
Cơm lam
Đây là món ăn phổ biến của đa phần người dân tộc đang sống tại Bình Phước. Gạo (tẻ hay nếp) được bỏ trong ống tre, nứa hoặc lồ ô trộn với các loại đậu để tăng mùi vị. Ống tre được chọn để nấu không quá non cũng không quá già. Sau khi nướng chín cơm, để nguội, du khách tước bớt lớp vỏ để vẫn giữ được lớp “áo tre”. Khi dùng, chỉ cần cắt thành những khúc nhỏ, chấm cùng muối lạc, muối vừng. Cơm lam có vị ngọt tự nhiên của gạo quyện với mùi thơm của tre nứa.
Bún cá đọt mây
Đây là món ăn thể hiện sự tổng hòa của nhiều hương vị từ thiên nhiên nhưng nổi bật lên là chút đắng của đọt mây rừng. Đặc biệt, khi dùng, thực khách phải kèm với rau nhíp và bắp cải, thêm chút ớt xanh xiêm hòa quyện với vị béo của cá lăng, vị bùi của rau nhíp, bắp cải tươi giòn giảm độ ngấy.
Bún cá đọt mây.
Ve sầu sữa
Đây được xem là món ăn đặc sản hiếm có, do người dân thu hoạch về chế biến thành món ăn và đãi khách. Vào mùa hè, ve sống nhiều trên các cây điều, chôm chôm. Trời sẩm tối cũng là lúc những con ve sầu lột xác từ ấu trùng để trưởng thành và quá trình này diễn ra rất ngắn. Chỉ sau khi lột xác khoảng 30 phút, cánh khô cứng lại, ăn sẽ không ngon. Và những con ve lột xác này gọi là ve sầu sữa. Ve sầu sữa nấu cháo, chiên bột, xào hành nhưng ngon nhất vẫn là chiên giòn.
Đặc sản
Bình Phước nổi tiếng với những món quà là đặc sản của vùng đất đỏ bazan, được khách thập phương biết đến là thủ phủ trồng hạt điều với diện tích và sản lượng xuất khẩu lớn. Đây cũng là sản phẩm nên mua làm quà.
Cà phê không chỉ nổi tiếng ở Tây Nguyên, mà tại Bình Phước, sản phẩm này cũng được đánh giá cao nhờ mùi đặc trưng hương vị đậm đà. Thực khách có thể mua cà phê chồn, cà phê xay sẵn hoặc cà phê nguyên hạt.
Quýt đường Tân Thành có vị ngọt thanh và chua nhẹ. Quýt ở đây được quảng bá trồng theo quy trình chất lượng cao, không sử dụng nhiều phân bón hay thuốc trừ sâu nên sẽ thích hợp là một món quà tặng.
Bình Phước còn nổi tiếng với mít, đặc biệt là mít nghệ ở huyện Lộc Ninh vì sản lượng nhiều, múi dày, thơm.
Nguyễn Nam (Vnexpress)