Với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế của từng nước đối tác, các hội nghị trên nhằm trao đổi về tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu trong thời gian qua, chia sẻ thông tin và định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các đối tác trong thời gian tới.
Tại Hội nghị AEM – EU, trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – EU, Việt Nam đã điều phối thảo luận về tình hình triển khai các công việc trong chương trình công tác về thương mại và đầu tư ASEAN – EU giai đoạn 2022-2023; định hướng các nước cùng nhất trí tận dụng khuôn khổ Nhóm Công tác chung ASEAN – EU về thương mại và đầu tư nhằm thảo luận, chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt nhất về các chính sách và quy định trong nước ở các lĩnh vực hợp tác mà hai bên cùng có lợi và thông qua Chương trình Công tác ASEAN – EU về thương mại và đầu tư giai đoạn 2024-2025.
Về hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Canada, các bộ trưởng tập trung thảo luận về tiến độ đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Canada (ACaFTA) cũng như thông qua báo cáo của các trưởng đoàn đàm phán về tiến độ đàm phán hiệp định này. Trên cơ sở tiến độ đàm phán, các bộ trưởng nhất trí thông qua mục tiêu mới để cơ bản kết thúc đàm phán ACaFTA vào năm 2025.
Tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – WIPO, các bộ trưởng và Tổng Giám đốc WIPO đã trao đổi về tình hình hợp tác giữa ASEAN và WIPO, liên quan đến các nội dung như sở hữu trí tuệ với vai trò chất xúc tác ASEAN phát triển thành một khu vực có nhiều sáng tạo đột phá; Biên bản ghi nhớ ASEAN – WIPO: Vươn tầm cao mới trong hợp tác ASEAN – WIPO; Tầm nhìn của WIPO về sở hữu trí tuệ như một động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi toàn diện vì lợi ích của tất cả mọi người ở mọi nơi. Bên lề hội nghị, các bộ trưởng đã tham dự Lễ ra mắt Cơ quan Đăng ký Sở hữu Trí tuệ ASEAN.
Tại Hội nghị AEM – Hong Kong (Trung Quốc), các bộ trưởng tập trung trao đổi về việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hong Kong (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư ASEAN – Hong Kong (AHKIA). Các bộ trưởng ghi nhận Nghị định thư thứ nhất sửa đổi AHKFTA với nội dung chính là về quy tắc cụ thể mặt hàng đã được thống nhất. Trên cơ sở đó, các bộ trưởng nhất trí sẽ triển khai các thủ tục trong nước để có thể ký nghị định thư này trong thời gian tới.
Bên lề hội nghị, các bộ trưởng cũng gặp và trao đổi với các Hội đồng Kinh doanh ASEAN – EU, ASEAN – Canada, thảo luận về những khuyến nghị và ưu tiên của khu vực tư nhân trong thời gian tới như tăng cường thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh, tăng cường chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh, v.v…
Tham gia thảo luận tại hội nghị, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến đối với các vấn đề hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác như các nội dung thảo luận trong Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – EU, tình hình đàm phán ACaFTA, việc ký kết Biên bản ghi nhớ ASEAN – WIPO,… nhằm đảm bảo các mục tiêu, lợi ích thiết thực cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung như củng cố chuỗi cung ứng khu vực và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh kinh tế giới có nhiều thay đổi khó lường.