Cuối tháng 7 vừa qua, Sở Du lịch Quảng Ninh liên kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Bình Định và Hải Phòng. Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch của 3 địa phương cùng thảo luận, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác quảng bá, xúc tiến, kết nối và hợp tác du lịch giữa các bên.
Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành Bình Định, Quảng Ninh có lợi thế Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, các thắng cảnh biển đảo, các khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, du lịch đô thị. Đây cũng là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ tốt nhất cả nước; là cửa ngõ giao thương với các nước ASEAN; đầu mối kết nối phát triển kinh tế, thương mại, du lịch với Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới. Với thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với mức bình quân chung, Quảng Ninh đang là trung tâm trung chuyển khách nội địa quan trọng của cả nước.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc công ty lữ hành quốc tế Goldenlife, chia sẻ: Thông qua hội nghị lần này, chúng tôi đã làm việc và sẵn sàng hợp tác với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú trên địa bàn Quảng Ninh. Cơ sở vật chất du lịch của Quảng Ninh rất tốt, giúp du khách có nhiều lựa chọn và mức giá phù hợp. Không những thế, với việc sở hữu cả tài nguyên du lịch rừng và biển, chúng tôi dễ dàng xây dựng các tour tuyến với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, hấp dẫn du khách. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa nhiều đoàn khách Bình Định đến Quảng Ninh ngay mùa thu đông năm nay để tận hưởng thời tiết se lạnh của miền Bắc.
Hiện, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đang chủ động hợp tác với nhau và tìm kiếm đối tác để tạo nên mạng lưới liên vùng, liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ, từ đó tạo gói chất lượng cao với mức giá hấp dẫn. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh.
Thực tế, liên kết phát triển du lịch vùng, mở rộng mạng lưới hợp tác là một trong những nhiệm vụ luôn được ngành Du lịch quan tâm, đầu tư. Thời gian qua, Quảng Ninh đã chú trọng liên kết, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành bạn như Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, đặc biệt là những địa phương phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Với TP Hồ Chí Minh, trong mùa hè này, các hãng lữ hành như TST Tourist đã đưa khoảng 10.000 lượt khách đến Quảng Ninh. Các dòng khách này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, khám phá Quảng Ninh 3 ngày 2 đêm, 4 ngày 3 đêm. Không chỉ tổ chức các hoạt động teambuilding tại bãi biển như truyền thống, mỗi đoàn sẽ có những hoạt động phù hợp với đặc thù du khách từng vùng miền ở những địa điểm khác để nhau tạo sự mới mẻ.
Bà Chu Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Quốc tế IDP, cho biết: 2 năm nay, đơn vị chúng tôi luôn chọn Quảng Ninh là điểm đến của đơn vị. Chúng tôi không chỉ sử dụng dịch vụ tại TP Hạ Long mà còn tổ chức các đoàn tham quan TP Móng Cái, huyện Bình Liêu. Việc di chuyển qua sân bay Vân Đồn để đi cao tốc đến các địa phương giúp rút ngắn thời gian di chuyển, cũng như mang đến nhiều tiện ích cho đoàn chúng tôi.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… để giảm chi phí, hạ giá thành; xây dựng các chương trình quảng bá chào bán sản phẩm thu hút khách mùa thu đông. Cùng với đó, mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố… Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ là đầu mối kết nối các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; ngày hội du lịch; tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các địa phương trong nước có khả năng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như: Đà Nẵng, Phú Quốc và các thị trường nước ngoài như: Khu vực Đông Nam Á; Hàn Quốc, Nhật Bản… Triển khai tổ chức các chương trình đào tạo, giới thiệu nhân lực du lịch để hỗ trợ doanh nghiệp; làm việc với các hãng lữ hành, hàng không về việc xúc tiến gửi khách qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; tổ chức thu hút các dự án về lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên kết với các địa phương trong cả nước để thúc đẩy phát triển du lịch.