BỎ TƯ DUY “ĂN XỔI”
Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé (TX. Phước Long) – đơn vị được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thuộc mã vùng trồng sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ tính riêng mùa vụ sầu riêng năm nay, đơn vị này đã xuất sang Trung Quốc hàng ngàn tấn sầu riêng với mức giá trung bình 60.000 đồng/kg, đem lại thu nhập không nhỏ cho các hộ nông dân. Dù thị trường xuất khẩu đã rộng cửa nhưng điều mà hợp tác xã băn khoăn nhất là giữ được chất lượng trái sầu riêng để tăng sức cạnh tranh với sầu riêng của Thái Lan hay vùng trồng của các nước khác. Bởi với lợi nhuận quá lớn, không chỉ nhà vườn mà cả doanh nghiệp cũng bắt đầu trà trộn các loại sầu riêng kém chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến uy tín và vị thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. “Năm nay, sầu riêng của Việt Nam đã có mặt trên thị trường Trung Quốc nhưng điều quan trọng là làm sao để các năm sau nữa, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn lựa chọn sầu riêng của Việt Nam” – ông Trương Văn Đảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé nhấn mạnh.
Đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe, sầu riêng của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Minh Hàng, huyện Bù Đăng sơ chế, cấp đông sầu riêng phục vụ xuất khẩu – Ảnh: Viết Bằng
Ông Đảo khá lo lắng khi tại các vườn sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên đang xuất hiện tình trạng nhà vườn ép thương lái cắt trái sớm, cắt toàn bộ vườn một lần để được giá cao. “Nay thương lái tranh nhau mua đẩy giá sầu riêng lên quá cao. Trong khi nông dân lại ép thương lái phải cắt nhanh cho nặng ký và nhẹ cây, không suy cây thì quan niệm như vậy là không đúng. Mình đã trồng cây ăn trái thì phải tính đúng độ chín, không chỉ sầu riêng mà các loại cây ăn trái khác cũng vậy. Sầu riêng chưa chín tới ăn như khoai lang. Người tiêu dùng bây giờ lựa chọn hàng hóa rất khắt khe. Chỉ cần một lần ăn không ngon là sẽ lựa chọn mặt hàng khác ngay” – ông Đảo băn khoăn.
Sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mang lại nguồn giá trị to lớn
Trên thực tế, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp của nông dân Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng không thua kém nông dân các nước khác trong việc ứng dụng công nghệ hay sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng hay sản lượng. “Vừa qua, tôi đi học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng của nông dân Thái Lan và nhận thấy họ cũng không hơn Việt Nam. Sầu riêng của họ cũng có những bệnh giống như của Việt Nam. Nhìn lại cách chăm sóc thì nông dân Việt Nam không thua, có điều mình chưa suy nghĩ chín chắn về phần chất lượng” – ông Đảo khẳng định.
KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ NÔNG SẢN
Có thể thấy, hạn chế lớn nhất của nông dân chính là việc vẫn chưa nhìn nhận được hoàn toàn hiệu quả của tính bền vững trong sản xuất và một khi đầu ra chưa ổn định, tư duy “ăn xổi” sẽ còn tiếp tục đeo bám nông dân. “Nông dân hay gặp tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên đã tạo ra nếp nghĩ làm mùa nào hay mùa đó. Mùa này cứ bán được giá trước rồi mùa sau tính tiếp. Bây giờ đầu ra ổn định, làm ra là bán được, giá cũng không cần cao quá, trung bình thôi thì cỡ nào người dân cũng làm được. Kỹ thuật chăm sóc hữu cơ hay lai tạo giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt dù khó nhưng nông dân nếu quyết tâm thì vẫn làm được” – ông Đỗ Thành Trung, nông dân trồng dưa lưới ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh cho biết.
Nhân viên, người lao động Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé kiểm kê, đóng gói sầu riêng chuẩn bị xuất sang thị trường các nước – Ảnh: Trương Hiện
Giá trị của nông sản chỉ được khẳng định khi có thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Để đạt được những điều này, nông dân phải có sự chuẩn bị đầy đủ, hướng đến những mục tiêu cao hơn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu và hợp tác song phương thay cho tư duy “buôn chuyến” và bị thương lái ép giá như hiện nay. “Khi đầu tư cho một loại cây trồng nào đó, nông dân phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nhân lực, vật lực để chăm sóc và đi cùng với loại cây đó lâu dài. Bởi với thị trường đa dạng nhưng cũng ngày càng khó tính như hiện nay, chúng ta phải cạnh tranh với những yếu tố mới bao gồm sản lượng, chất lượng, giá cả. Nếu không sẵn sàng thì khó mà đi xa được” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cũng đang cố gắng hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng Bù Đốp, đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Nông sản phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng mới có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu
“Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn đề nghị thu hồi mã số vùng trồng đối với những sản phẩm sầu riêng kém chất lượng, không đạt yêu cầu xuất khẩu. Hy vọng đây sẽ là biện pháp mạnh tay để doanh nghiệp, người nông dân không bỏ qua vấn đề chất lượng, hướng đến thị trường bền vững và lâu dài”. Tiến sĩ NGUYỄN VĂN BẮC, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp |
Mã số vùng trồng hiện được xem như “tấm vé thông hành” cho nông sản đi xa, bởi khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng sẽ đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch. “Tấm hộ chiếu” đã có và điều còn lại là nông dân phải tạo được tiềm lực cho nông sản của mình để có thể đi xa hơn, không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn ở những thị trường khó tính khác.