5 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đón khoảng 7,1 triệu lượt khách du lịch, gấp 1,7 lần cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt 13.140 tỷ đồng, gấp 1,83 lần cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ đặt phòng tại các khách sạn 4-5 sao đạt 60-70%, dịp cuối tuần khoảng 80%.
Thời điểm này, vào dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên, vì vậy có một lượng khách lớn là các trường học, gia đình tổ chức cho học sinh, sinh viên đi tham quan, du lịch. Cùng với đó, tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay, các sản phẩm du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch trải nghiệm tiếp tục nhận được sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh. Phần lớn du khách tập trung ở các điểm du lịch nổi tiếng, như: Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu vui chơi giải trí Sun world Hạ Long, khu di tích danh thắng Yên Tử, khu du lịch Cổng tỉnh… Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2023, Vịnh Hạ Long đón khoảng 890.000 lượt du khách, doanh thu ước đạt 268 tỷ đồng.
Để đảm bảo an toàn cho du khách tham quan Vịnh trong dịp cao điểm, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động trên Vịnh thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về ANTT, ATXH; giao thông đường thuỷ nội địa, bảo vệ tài nguyên, môi trường, kinh doanh, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; chấp hành các quy định về quản lý Vịnh Hạ Long và các quy định hiện hành có liên quan. Đồng thời, chú trọng việc tuyên truyền tới các chủ tàu, khách du lịch việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham gia các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Bước vào mùa du lịch, các tuyến biển đảo trên địa bàn tỉnh cũng đón lượng khách tăng cao, như: Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn), Cái Chiên (huyện Hải Hà), Cô Tô… Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Cô Tô, cho biết: Với mục tiêu hướng đến xây dựng trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, Cô Tô chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới thông qua khai thác hiệu quả tiềm năng các hòn đảo gần bờ, đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp giải trí, trải nghiệm, thể thao biển; thí điểm phát triển một số mô hình kinh tế ban đêm, xây dựng tuyến phố đi bộ với không gian vui chơi, thưởng thức ẩm thực, nhằm góp phần tăng tính cạnh tranh với các khu du lịch biển đảo có tính chất tương đồng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch để tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến; đem lại nhiều tiện nghi cho du khách như bản đồ số, sách hướng dẫn số.
Bên cạnh đó, với hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt tuyến cao tốc Hạ Long – Móng Cái đưa vào hoạt động đã mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch khu vực phía Đông của tỉnh, nhất là TP Móng Cái. Vào dịp cuối tuần, thành phố đón hàng nghìn lượt khách, lượng đặt phòng lưu trú luôn đạt từ 90-98%. Thành phố đã tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó duy trì tập trung khai thác các dòng sản phẩm du lịch chính, chủ lực, đặc thù, như: Du lịch biên giới; du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch cộng đồng Hải Sơn; du lịch Mice; du lịch golf; du lịch thương mại. Bên cạnh đó, làm mới và phát triển sản phẩm du lịch như: Phát triển kinh tế đêm gắn với duy trì hoạt động thường xuyên của Chợ đêm, khu ẩm thực và Phố đi bộ; sản phẩm ẩm thực Việt – Trung; điểm mua sắm hàng hiệu, khách sạn cao cấp; thiết lập các gian hàng bán đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP tại Sa Vĩ – Trà Cổ và Bình Ngọc… Trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng khách du lịch đến Móng Cái ước đạt trên 680.000 lượt người, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; tổng thu ngân sách nhà nước về dịch vụ du lịch ước đạt trên 42 tỷ đồng.
Trong tháng 6-2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 1,76 triệu lượt, lũy kế 6 tháng ước đạt 8,86 triệu lượt. Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách trong năm 2023. Trong đó, tập trung vào thị trường nội địa và một số thị trường quốc tế trọng điểm; tổ chức các hội nghị, hội thảo về du lịch. Sở Du lịch làm đầu mối, chủ động đẩy mạnh các hoạt động kết nối các địa phương đã có ký kết hợp tác du lịch để trao đổi nguồn khách; tổ chức các hoạt động, sự kiện để thu hút du lịch. Đồng thời, làm việc với các hãng lữ hành, hàng không về việc xúc tiến gửi khách qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Cùng với đó, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh…