(BDO) Trong khó khăn của thị trường, ngành gốm Bình Dương nỗ lực tìm hướng đi mới. Một số “ông lớn” ngành gốm có kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD mỗi năm như Minh Long, Phước Dũ Long, Cường Phát, Minh Phát… đã và đang tích cực phát triển công nghệ, xanh hóa quy trình sản xuất, gìn giữ nét đặc sắc của gốm sứ Bình Dương trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lý Ngọc Bạch làm giám khảo chọn sản phẩm gốm sứ tham dự sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương năm 2024
Cải tiến công nghệ
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Siêu Tín, Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Phước Dũ Long cho biết, hiện nay sản phẩm gốm sứ ngoài chịu sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nước ngoài tại thị trường xuất khẩu. Điều này buộc các doanh nghiệp (DN) phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành… để nâng cao sức cạnh tranh, giữ vững thị trường tiêu thụ. Công ty gốm sứ Phước Dũ Long trong thử thách đã nỗ lực học hỏi nhằm có tư duy đúng hướng, tham quan học hỏi thị trường trong và ngoài nước nhằm đổi mới công nghệ theo hướng phù hợp với sản phẩm công ty đang sản xuất, tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sản xuất xanh.
Cũng theo ông Vương Siêu Tín, công ty ứng dụng một kỹ thuật chuyên sâu vào quy trình đổ rót sản phẩm vuông, chữ nhật, hạn chế rung lắc, chấn động làm biến dạng sản phẩm khi mới thoát khuôn. Để tiết kiệm năng lượng, công ty tận dụng luồng nhiệt liên tục khi nung sản phẩm gốm sứ, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc bằng phương pháp nung nóng luồng nhiệt trong nhiều ống nhỏ lưu thông không khí tự nhiên từ môi trường vào, xuyên qua theo đường thoát khí thải qua ống khói, luồng khí khi nung nóng được quạt hút đưa vào lò sấy.
“Năm 2024, mặc dù tình hình xuất khẩu còn nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn quyết định lắp đặt thêm 5 lò mới dung tích 132m3 để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi kinh tế. Công ty tận dụng thời gian ít đơn hàng để rà soát, đầu tư nhà máy theo hướng xanh hơn, bền vững hơn. Phước Dũ Long vẫn quyết định đầu tư thêm lò, vì thời gian lắp đặt 5 lò mới cũng khá lâu, nếu đến lúc kinh tế khá lên mới đầu tư thì sẽ không kịp”, ông Vương Siêu Tín chia sẻ về nhiều nỗ lực trong chuyển đổi sản xuất.
Sản phẩm của Công ty gốm sứ Phước Dũ Long
Xanh hóa sản phẩm
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, ông Vương Siêu Tín đã tích cực tuyên truyền và hỗ trợ các DN trong hiệp hội chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, tiết kiệm năng lượng, vừa đảm bảo môi trường xanh hóa, vừa ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, đồng nghĩa nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
“Các DN tiếp tục cải tiến quy trình vận hành, tối ưu chế độ đốt lò, áp dụng tự động hóa dây chuyền công nghệ hiện hữu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế rủi ro cho người vận hành. Hiện tại, việc vận hành lò vẫn đang dựa vào kinh nghiệm của người nung đốt. Các DN cần chuyển đổi số, dựa trên số liệu để lập chế độ vận hành, sẽ cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp. Đây là việc làm cần thiết để tiếp tục nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh”, ông Tín đưa ra định hướng.
Với mục tiêu phát triển bền vững, ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty gốm sứ Cường Phát cho biết mỗi năm công ty sản xuất trên 10 triệu sản phẩm với mẫu mã, chủng loại đa dạng, phong phú, đẹp, bền, không chứa độc tố, an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu. 85% sản phẩm được xuất khẩu sang gần 20 nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Pháp, Ý… Cường Phát áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO để đảm bảo toàn bộ hoạt động sản xuất của công ty luôn được kiểm soát và không ngừng cải tiến.
Chia sẻ với chúng tôi về hướng đi của các sản phẩm gốm sứ hiện đại, ông Lý Ngọc Bạch cho biết: “Dù cải tiến theo công nghệ máy móc nào, người làm gốm sứ cần luôn tuân thủ theo đúc kết của người làm gốm thế hệ trước, thứ nhất là nguyên liệu, thứ hai là kỹ thuật nung, thứ ba là tạo hình sản phẩm và thứ tư là trang trí cho sản phẩm được thăng hoa. Mỗi sản phẩm làm ra phải luôn song song hai mục đích chính là chức năng và trang trí. Việc đẩy mạnh tính đa dạng và có sự pha trộn giữa nét văn hóa truyền thống Việt Nam, Á Đông cũng như phương Tây chính là hướng đi cơ bản để các sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển và thị hiếu nhiều nước trên thế giới”.
Cũng theo ông Lý Ngọc Bạch, mỗi sản phẩm của Cường Phát luôn được các nghệ nhân trau chuốt tỉ mỉ, được nung ở nhiệt độ cao và theo tiêu chuẩn châu Âu. Tất cả nguyên liệu đầu vào đều được kiểm tra nghiêm ngặt, không độc tố, đảm bảo an toàn. Mẫu mã, màu sắc được thiết kế phù hợp theo thị hiếu, yêu cầu của khách hàng.
“Trước những khó khăn, thách thức của thị trường, các DN ngành gốm nỗ lực gìn giữ nghề gốm Bình Dương, di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia có tuổi đời gần 200 năm. Để trụ được với nghề, các chủ DN yêu nghề đã tìm mọi cách thích ứng với xu hướng tiêu dùng của thị trường”. |
Tiểu My – Cẩm Tú
Nguồn: https://baobinhduong.vn/xanh-hoa-san-xuat-gom-su-a338043.html