Thời gian qua, nhiều “ông lớn” trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” và hướng tới các tiêu chí xanh như dùng năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ máy móc, có các cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường, khí hậu…
Dự án đóng vai trò “bước ngoặt” dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam trị giá 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) ở Bình Dương là một trong số đó. Hay nhà máy bia Heineken ở Bà Rịa – Vũng Tàu có kế hoạch vận hành 100% từ năng lượng tái tạo. 97% nhiệt năng sinh khối sử dụng để nấu bia của nhà máy này được cung cấp từ một doanh nghiệp đối diện nhà máy, ngay trong tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân….
Cơ hội lớn
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế thu hút dòng vốn FDI xanh của Việt Nam, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nêu quan điểm, Việt Nam đã có sẵn nhiều yếu tố để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xét riêng về vốn FDI xanh, gần 40% diện tích đất của Việt Nam có tốc độ gió trung bình thuận lợi cho phát triển điện gió. “Không những thế, đất nước còn có nhiều vùng có mức bức xạ thuận lợi để phát triển điện Mặt trời. Vì vậy, Việt Nam còn sở hữu lợi thế về cả chính sách và điều kiện địa lý để cạnh tranh thu hút FDI xanh với các quốc gia trong khu vực”, theo lãnh đạo HSBC Việt Nam.
Khẳng định đất nước hình chữ S là thị trường tăng trưởng rất tốt, ông Bhardwaj Vinay, Tổng Giám đốc Công ty Indorama Ventures Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội tăng trưởng này.
Theo đó, Công ty Indorama Ventures Ngọc Nghĩa Việt Nam chọn cách phát triển bền vững. Dưới góc độ đầu tư, kinh doanh, các giải pháp xanh như tối ưu hóa năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Việc tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức quốc tế và ngân hàng cho các dự án xanh hiện cũng thuận lợi và có chi phí rẻ hơn trước.
Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì nêu quan điểm, sự quan tâm của các nhà đầu tư FDI đối với nền kinh tế xanh đã tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với cả hệ thống chính phủ, người dân, doanh nghiệp của Việt Nam.
Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã có những động thái để chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh. Nhiều khu công nghiệp cũng “để mắt” hơn đến sàng lọc, đánh giá tác động nhằm bảo đảm các dự án đầu tư thân thiện với môi trường.
“Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia đang gia tăng xu hướng tiêu dùng bền vững, nên đã góp phần tạo ‘cầu’ đáng kể đối với các sản phẩm xanh. Từ đó, giúp vấn đề thu hút FDI vào các ngành, hoạt động kinh tế xanh được thực hiện một cách tự nhiên”, ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ.
Tuy nhiên, thách thức trong hành trình thu hút FDI xanh không phải không có và Việt Nam cần rốt ráo cải thiện những thách thức này để đón nhiều hơn dòng vốn FDI xanh.
Thách thức vẫn còn đó
Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á nhận thấy, đất nước phải đối mặt với những rào cản trong việc tuân thủ trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể như việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Song song với đó, việc áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi phải đầu tư rất lớn. Việc đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp địa phương cũng là một thách thức không nhỏ của đất nước.
Theo đó, Việt Nam cần khẩn cấp nâng cấp lưới điện để kết nối các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng sạch hiện có và hỗ trợ các dự án mới trong tương lai. Việc bỏ qua nâng cấp có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện thường xuyên hơn, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, các chính sách và ưu đãi khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp FDI vào các dự án năng lượng tái tạo sẽ rất quan trọng. Đây là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới. Đồng thời, nên tập trung vào đào tạo lực lượng lao động để trang bị cho người dân, doanh nghiệp những kỹ năng cần thiết cho lĩnh vực đang phát triển này.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-can-vuot-qua-thach-thuc-gi-de-tiep-can-fdi-xanh.html