Hình ảnh người lính luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Những ngày này, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức, ở đó hình ảnh người lính hiện lên thật đẹp và đầy tự hào.
Hình ảnh người lính trên sân khấu luôn sáng ngời với những phẩm chất kiên trung
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 35 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tâm Văn hóa tỉnh vừa thực hiện chương trình văn nghệ với chủ đề “80 năm – khúc hát tự hào”. Chương trình đã tái hiện sinh động những chiến công vang dội của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 80 năm qua với những ca khúc đi cùng năm tháng.
Cũng nằm trong các hoạt động nhằm chào mừng các sự kiện trọng đại, trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương phối hợp với UBND phường Phú Cường và đơn vị Tiểu đoàn 2 – trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Công binh vừa tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề “Bài ca dâng Đảng” tại khu vực phố đi bộ Bạch Đằng (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một). Chương trình đã thu hút nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia.
Tiết mục “Dấu chân phía trước” do cô Thùy Trinh (giáo viên trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương) cùng nhóm bè biểu diễn tại chương trình văn nghệ với chủ đề “Bài ca dâng Đảng”
Qua những ca khúc cách mạng, hình ảnh người lính trong thời chiến được tái hiện hết sức sinh động và tự hào. Với tình yêu và niềm tự hào về người lính Cụ Hồ, nhiều văn nghệ sĩ Bình Dương cũng đã có những sáng tác dạt dào tình cảm, với những hình ảnh như: “…Đòn bánh tét theo người buổi chiến tranh loạn lạc/ Cha mẹ âm thầm gói bánh nuôi quân…” (trích trong ca khúc “Đòn bánh tét quê hương” do tác giả Lê Đức Dũng phổ nhạc từ thơ của Nguyễn Minh Ngọc Hà). Đó là cảm xúc “…Lòng càng bùi ngùi mỗi lần ai ghé thăm/ Không thể không nao lòng bao xiềng xích chông gai/ Xương máu anh hùng có một phần người con gái kiên trung…” (trích trong ca khúc “Côn Đảo trong tôi”) khi tác giả Lê Đức Dũng đến Côn Đảo. Đó là “Tình non nước trên đôi vai người lính/ Tình em hậu phương luôn trong trái tim anh/ Biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa có bao giờ thôi sóng vỗ bóng giặc thù đêm ngày rình rập bủa vây/ Ánh trăng khuya mắc ngang đầu vọng gác thức cùng anh nghe biển hát/ Đứng lặng im dõi bước quân thù/ Nâng tay súng cùng đồng đội anh giữ biển/ Rồi mai này biển bình yên anh sẽ trở về…” trong ca khúc “Trăng cùng anh giữ biển” do tác giả Thành Triệu phổ nhạc từ thơ của Trăng Khuyết.
Những câu hát, những vần thơ, không chỉ là tiếng lòng của những người lính kiên cường, mà còn là lời tri ân sâu sắc đối với bao hy sinh, xương máu, đối với sự kiên trung, bất khuất của những người đã và đang bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những tác phẩm ấy sẽ mãi là lời nhắc nhở, là tình yêu của dân tộc đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho quê hương, cho Tổ quốc…
Nguồn cảm hứng bất tận
Chia sẻ khi ca khúc “Bạn ơi về với mẹ” vừa đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, nhạc sĩ Phạm Minh Thuận (Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh), cho biết người lính Cụ Hồ dù ở thời đại nào cũng toát lên vẻ đẹp đầy tự hào. Ca khúc “Bạn ơi về với mẹ” của ông viết nói lên tình yêu thiêng liêng của người lính và đã lay động người nghe…
|
THỤC VĂN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/vang-mai-khuc-ca-ve-nguoi-linh-a338284.html