Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang ráo riết chuẩn bị nhiều kế hoạch “dài hơi” để quyết tâm đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính, phục vụ tốt quá trình phát triển, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo UBND tỉnh khảo sát tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Chuẩn bị sẵn sàng
Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh, cho biết cùng với các nhiệm vụ thường niên, trung tâm đang tập trung chuẩn bị công tác nhân sự, con dấu, các bảng nhận diện thương hiệu của trung tâm, cũng như việc bố trí các quầy nhận thủ tục hành chính (TTHC) phi địa giới tại các chi nhánh. Trung tâm yêu cầu các chi nhánh tích cực tuyên truyền cho người dân thực hiện các TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính, chuẩn bị tốt công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC. Song song đó, trung tâm tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, nhân viên bưu điện xử lý thành thạo các phần mềm thuộc hệ thống xử lý TTHC, văn hóa ứng xử nhằm giải thích, tuyên truyền đến nhân dân, DN.
Hiện tại, trung tâm đang tiến hành rà soát, đăng ký chữ ký số cho nhân viên bưu điện và cán bộ một cửa các cấp. Trung tâm phối hợp với các địa phương để chuyển giao các nhân sự hiện tại của 9 huyện, thành phố về trung tâm để chuẩn bị đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2025. “Đối với nhân sự một cửa, trung tâm đang rà soát để chuẩn bị đủ nguồn lực tiếp nhận hồ sơ phi địa giới theo tinh thần tinh gọn, đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng DVC trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp (DN), hướng tới cung cấp DVC trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu; tăng cường giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong phục vụ nhân dân”, ông Trương Công Huy cho hay.
Để chuẩn bị cho giai đoạn 2, trung tâm sẽ kiện toàn nhân sự “một cửa” để xem xét phương án bố trí nhân sự từ các sở, ngành, phòng, ban chuyên môn, nhân sự bưu điện, nhân sự chuyên trách phù hợp tình hình thực tiễn tại các chi nhánh trung tâm; sáp nhập 9 điểm tiếp nhận của các xã, phường, thị trấn vào 9 chi nhánh trung tâm và giữ nguyên 82 điểm tiếp nhận tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Cùng với đó, trung tâm tiến hành rà soát, ban hành danh mục TTHC phi địa giới hành chính mở rộng hơn giai đoạn 2, tổng số TTHC thực hiện phi địa giới hành chính khoảng 570 TTHC, chưa bao gồm TTHC của cơ quan ngành dọc.
Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi
Việc thực hiện thí điểm TTPVHCC một cấp của tỉnh với mục tiêu là đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân; từ đó phát huy tinh thần phục vụ nhân dân, DN, giải quyết TTHC cho người dân, DN phải tốt hơn hiện nay, không yêu cầu người dân, DN đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi khi đã triển khai thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết TTHC phi địa giới hành chính. Trong suốt quá trình chuẩn bị, trung tâm bảo đảm sự ổn định, không làm xáo trộn việc giải quyết TTHC cho người dân, DN, ảnh hưởng đến chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số 766, PAPI, PCI, DTI hay các chỉ số liên quan đến cải cách TTHC năm 2024 của tỉnh và sở, ngành, địa phương.
Theo ông Huy, việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính nhằm tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, DVC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhằm chuẩn hóa TTHC, thống nhất thành phần hồ sơ, quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương, không để xảy ra tình trạng mỗi huyện, mỗi xã nhận hồ sơ TTHC khác nhau, thực hiện quy trình luân chuyển, giải quyết khác nhau. “Trong suốt quá trình triển khai đề án thí điểm này, trung tâm phối hợp trao đổi kinh nghiệm để tham mưu cho tỉnh triển khai phù hợp thực tế và đúng định hướng của Trung ương”, ông Huy cho biết.
Trung tâm cũng chuẩn bị, thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mô hình TTPVHCC tỉnh Bình Dương và danh mục TTHC phi địa giới hành chính nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa đến người dân, DN về mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm mô hình TTPVHCC một cấp và lợi ích của việc thực hiện TTHC phi địa giới hành chính. Cùng với đó là tập trung chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ công chức, viên chức “một cửa”, đặc biệt là nhân sự bưu điện có đủ phẩm chất, năng lực và ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện để phục vụ tốt nhất cho người dân, DN trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Trong giai đoạn 3, từ 1-7-2025 đến hết năm 2025, trung tâm sẽ rà soát lựa chọn tích hợp một số điểm tiếp nhận các phường tại các thành phố để phấn đấu thành lập chi nhánh mới của TTPVHCC khi đáp ứng các yêu cầu về trụ sở, cự ly di chuyển, số lượng hồ sơ phát sinh, nhân sự và kết quả thực hiện thí điểm giai đoạn 2 và tiêu chí tổ chức, DN và người dân tiếp cận DVC trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc vòng bán kính không quá 5km; phấn đấu thành lập thêm 10 chi nhánh mới, giảm 34 điểm tiếp nhận. Toàn tỉnh có 1 TTPVHCC tỉnh, 19 chi nhánh (9 chi nhánh tại UBND 9 địa phương cấp huyện và 10 chi nhánh mới), 48 điểm tiếp nhận trên cơ sở hiện trạng 101 đơn vị: 1 TTPVHCC tỉnh, 9 TTPVHCC tỉnh cấp huyện và 91 bộ phận “một cửa”; mở rộng phạm vi danh mục TTHC phi địa giới hành chính trong tiếp nhận TTHC giai đoạn 3 với tổng số TTHC thực hiện phi địa giới hành chính khoảng 1.500 TTHC, chưa bao gồm TTHC của cơ quan ngành dọc…
HỒ VĂN – KHẮC TUẤN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong-tinh-doi-moi-toan-dien-cong-tac-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-a338525.html