Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt mức tăng trưởng 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 46,8%. Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương
Ngành chuyển đổi mạnh tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp “nâu” sang nông nghiệp “xanh”, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đã tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Ngành xác định một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2025: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3-3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản 64-65 tỷ đô la Mỹ; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng (bìa phải) cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong năm 2024. Thủ tướng yêu cầu ngành tăng tốc, bứt phá, với mục tiêu nông dân phải được ấm no, hạnh phúc hơn; nông thôn hiện đại hơn; nông nghiệp tiên tiến hơn.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP. Ngành Nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế. Cùng với đó, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tăng cường liên kết 5 nhà (nhà nông – Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà băng) với nòng cốt là liên kết nhà nông – nhà doanh nghiệp; tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị
Để phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trong tiến trình đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Thủ tướng lưu ý coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt; tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới; rà soát quy trình quản lý Nhà nước có liên quan để cắt giảm thủ tục, minh bạch hóa thông tin, thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý chuyên ngành…
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/ChiTiet.aspx?ID=15603