Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về điện lực, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về xây dựng và phát triển ngành Điện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Toàn cảnh hội nghị
Theo đó, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 121 điều.
Trong đó, kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về: Quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện; bỏ 04 điều (tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực; thanh tra điện lực); gộp 04 điều vào các điều khác (chủ yếu về nội dung chính sách phát triển về đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện); bổ sung 59 điều: Chính sách về phát triển điện lực, quy hoạch phát triển điện lực, đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện; chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp; các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp; cơ chế mua bán điện trực tiếp, tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…
Hội nghị đã tiếp nhận 12 lượt ý kiến góp ý, tập trung vào các nội dung: Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực; quy định của các luật và thẩm quyền quản lý ở các cấp trong việc giao đất, giải tỏa, đền bù liên quan đến đất phục vụ công trình lưới điện Quốc gia; phương thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực; ký kết hợp đồng về giá điện giữa doanh nghiệp và người dân… Các đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia vào sản xuất điện tự sản, tự tiêu và chính sách hỗ trợ; bổ sung điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ ngoài sinh hoạt…
Các đại biểu góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn Đại biểu Quôc hội tỉnh sẽ ghi nhận đầy đủ và tổng hợp báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hoàn chỉnh dự thảo Luật.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/ChiTiet.aspx?ID=15269