Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Đức Tài – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, với 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, Bình Dương là địa điểm hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trở thành một hình mẫu về thu hút đầu tư. Hiện Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn điển hình như LEGO…
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vấn đề phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được chú trọng ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội địa phương, giai đoạn hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực không chỉ để có bằng cấp mà phải có “trình độ tay nghề” thực thụ, bên cạnh đó đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng mềm trong công việc. Việc lựa chọn nội dung, chương trình, hình thức đào tạo phù hợp với đối tượng người học, bám sát với thực tiễn, tích hợp học đi đôi với hành, đồng thời phải đáp ứng được những yêu cầu doanh nghiệp vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với một tỉnh có nhiều khu công nghiệp, bởi vì đây chính là nơi tiêu thụ các sản phẩm đào tạo từ các cơ sở GDNN cung cấp vào thị trường lao động.
Ông Trịnh Đức Tài – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo
Bình Dương hiện có 701 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 06 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Ngoài ra còn có một số trường cao đẳng, trung cấp liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo GDNN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng người tham gia học nghề vẫn còn ít so với cơ cấu trình độ, nhu cầu lao động hiện nay của tỉnh. Chất lượng chương trình đào tạo nghề ở một số trường còn thấp.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp chia sẻ một số yêu cầu đối với nhân sự khi tuyển dụng và công tác GDNN của các trường. Theo đó các trường phải xác định ngành nghề mũi nhọn; chủ động tìm doanh nghiệp để hợp tác, gắn kết quá trình đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động, quan tâm hơn về trang bị kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, thái độ cho người học.
Đại diện Công ty LEGO phát biểu tại Hội thảo
Để công tác đào tạo nghề đáp ứng “trúng” nhu cầu của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Thức – Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương cho biết, Nhà trường đã đưa học viên, giáo viên đến thăm quan trải nghiệm tại các doanh nghiệp. Phối hợp với doanh nghiệp trong công tác tư vấn tuyển sinh, tuyển nhân sự cho từng vị trí việc làm. Đồng thời thường xuyên trao đổi nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, từ đó tổ chức tuyển sinh và đào tạo các ngành nghề trong năm 2024 được hơn 8.000 học viên, trong đó đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp được 1.344 lao động có tay nghề cao. Đào tạo lý thuyết và thực hành cơ bản tại nhà trường, sau đó thực hành ứng dụng ngay trên trang thiết bị, máy móc của doanh nghiệp.
Các đại biểu tham quan thiết bị giảng dạy tại Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương
Nhà trường cũng thường xuyên tương tác với hơn 700 doanh nghiệp trong tỉnh, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động; phối hợp đánh giá chất lượng đào tạo nghề; từ đó rút kinh nghiệm cho công tác đào tạo, bổ sung hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo; mở thêm các mã ngành mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…
Dịp này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương đã ký kết “3 Nhà” trong hợp tác GDNN. Ngoài ra các trường cao đẳng, trung cấp đã ký kết giới thiệu tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập đến các công ty, doanh nghiệp và ký kết Bản ghi nhớ thoả thuận giữa Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình và Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Trung cấp nghề Nghiệp vụ Bình Dương đã ký kết “3 Nhà” trong hợp tác GDNN
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/ChiTiet.aspx?ID=15564