Xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Diễm Trinh (Tổ đại biểu TP. Dĩ An) đặt câu hỏi, Bình Dương luôn nằm trong danh sách những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về kết quả chất lượng GDĐT. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế số học sinh tăng hàng năm. Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở GDĐT về giải pháp đáp ứng yêu cầu dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 nói riêng và những quy định chung của Bộ GDĐT hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư cho công tác xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp mở rộng 67 trường học với tổng kinh phí 6.863 tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 1.716 tỷ đồng. Công tác sửa chữa trường, lớp theo nguồn vốn sự nghiệp từ năm 2021 đến nay khoảng 228 công trình với tổng kinh phí khoảng 258 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 52 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có thêm 12 công trình trường học được xây mới, nâng cấp, cải tạo với tổng mức đầu tư hơn 714 tỷ đồng. Với những nỗ lực đó, số lượng trường, lớp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đảm bảo cơ bản điều kiện giảng dạy và học tập.
Tuy nhiên, tại các thành phố tập trung đông dân cư thì việc dạy học 02 buổi/ngày theo quy định của Chương trình GDPT 2018 chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được ở một số khối lớp. Công tác mua sắm trang thiết bị tối thiểu chưa kịp thời do vướng quy trình thủ tục, các quy định mới được ban hành có nhiều thay đổi, cần phải điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung trong quy trình mua sắm nên công tác tham mưu còn hạn chế.
Đại biểu Trần Thị Diễm Trinh (Tổ đại biểu TP. Dĩ An) đặt câu hỏi chất vấn
Trước thực trạng trên, Sở GDĐT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu sửa chữa, bổ sung, điều chỉnh thứ tự ưu tiên công tác đầu tư xây dựng trường lớp; xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch đầu tư dài hạn, đề án cơ sở vật chất phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; theo dõi, đôn đốc công tác đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học tại các địa phương; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các cấp học.
Sở GDĐT cũng sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho công tác xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị dạy học, nhất là tại các khu vực có mật độ dân cư đông, học sinh tăng nhanh; đẩy mạnh mô hình dạy học trực tuyến, giảm áp lực về không gian lớp học; phát huy hiệu quả của Kho học liệu số dùng chung, số hóa tài liệu, trang bị thư viện số,… để đa dạng hóa hình thức nghiên cứu cứu, học tập của giáo viên và học sinh.
Đồng thời Sở GDĐT sẽ tăng cường công tác xã hội hóa lĩnh vực GDĐT; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng trường học, đầu tư trang thiết bị hoặc tài trợ tài nguyên giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục; phát triển các mô hình hợp tác công – tư trong giáo dục (dạy học song ngữ, liên kết dạy tiếng Anh tăng cường, dạy buổi 2 ngoài nhà trường…).
Ban hành chính sách thu hút nhân lực ngành GDĐT
Một nội dung khác mà các cử tri quan tâm là tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa giải quyết ổn thỏa. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hằng (Tổ đại biểu TP.Dĩ An) chất vấn Giám đốc Sở GDĐT về giải pháp của ngành GDĐT trong việc thu hút, tuyển dụng viên chức, hợp đồng lao động để đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hằng (Tổ đại biểu TP. Dĩ An) đặt câu hỏi chất vấn
Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, số học sinh trên địa bàn tỉnh tăng trung bình mỗi năm từ 20.000 đến 25.000; tương ứng mỗi năm Bình Dương phải tăng 1.000 giáo viên. Thực tế, mỗi năm, ngành GDĐT tuyển dụng được khoảng 600 giáo viên các cấp học (đạt khoảng 20% số lượng giáo viên thiếu so với định mức Bộ GDĐT quy định).
Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng viên chức ngành GDĐT những năm gần đây chưa đủ do không có nguồn tuyển. Trung bình mỗi năm toàn ngành tuyển dụng được khoảng 50% biên chế được giao. Công tác hợp đồng giáo viên bổ sung chỉ tiêu còn thiếu chưa đủ so với quy định; đặc biệt là các môn học đặc thù như giáo viên Mầm non, môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó tuyển dụng giáo viên là do chế độ tiền lương cho đội ngũ chưa tương xứng với quá trình lao động, chưa bảo đảm chi phí cuộc sống khiến giáo viên không an tâm công tác; chưa có chế độ, chính sách thu hút trong ngành GDĐT, đặc biệt đối với các vị trí công việc đặc thù.
Một số chế độ, chính sách cho đội ngũ chưa được giải quyết như: Chế độ đối với giáo viên dạy tăng giờ vượt thời gian quy định (theo quy định của Luật Lao động – vượt 200 giờ), chế độ đối với giáo viên dạy song ngữ, chế độ đối với giáo viên dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến, chế độ cho nhân sự phụ trách công tác Chống mù chữ – Phổ cập giáo dục…
Số lượng giáo viên tuyển dụng hàng năm cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy nhưng vẫn chưa đáp ứng được số lượng giáo viên ngành đang thiếu theo quy định. Thực trạng này vẫn đặt ra nhiều thách thức, áp lực trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục nói chung và trong việc đáp ứng đủ số lượng giáo viên theo quy định của Bộ GDĐT nói riêng.
Trên cơ sở kết quả sau tuyển dụng mỗi năm học, Sở GDĐT tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thực hiện rà soát, điều chuyển giáo viên thừa thiếu cục bộ ở các đơn vị; chuyển viên chức có gốc sư phạm ra dạy lớp; hợp đồng giáo viên; phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng, tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến… nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ đáp ứng cơ bản yêu cầu giảng dạy, giáo viên vẫn gặp rất nhiều áp lực trong công việc, quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Vì vậy, thời gian tới, sau khi được HĐND tỉnh thông qua, toàn ngành GDĐT sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết ban hành Quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của HĐND tỉnh quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành GDĐT, Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, Sở GDĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên năm 2025 đáp ứng tốt nhất chỉ tiêu theo quy định của Bộ GDĐT; phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực…
Đối với câu hỏi của đại biểu Trương Thanh Nga (Tổ đại biểu TP. Bến Cát) về lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa (SGK) mới, Giám đốc Sở GDĐT cho biết, Bộ GDĐT đã thực hiện chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” với ý nghĩa lấy chương trình làm gốc, chương trình là pháp lệnh, SGK và các học liệu khác là tài liệu tham khảo.
Đại biểu Trương Thanh Nga (Tổ đại biểu TP. Bến Cát) đặt câu hỏi chất vấn
Tất cả các quyết định phê duyệt danh mục SGK từng khối lớp đều được Sở GDĐT, Phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục công khai trên các trang thông tin chính thức của ngành, thông báo đến cha mẹ học sinh trước khi vào năm học mới ít nhất 03 tháng. Sau khi hoàn tất quy trình lựa chọn SGK ở từng năm, Sở GDĐT có văn bản thông báo tới các nhà xuất bản về danh mục, số lượng dự kiến để bảo đảm việc cung ứng SGK đầy đủ và kịp thời cho học sinh khi bước vào năm học mới.
Căn cứ danh mục SGK cơ sở giáo dục lựa chọn, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt và danh mục này vẫn được áp dụng thực hiện ở các năm học tiếp theo. Tại Bình Dương, SGK do các cơ sở giáo dục cùng cấp học lựa chọn khá tương đồng, điều này góp phần thuận lợi trong việc học sinh chuyển trường. Mặt khác, việc lựa chọn SGK tại cơ sở giáo dục chỉ thực hiện 01 lần cho 01 khối lớp nên SGK vẫn có thể tái sử dụng được cho các năm học sau.
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/ChiTiet.aspx?ID=15528