Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Tổ đại biểu TP. Thuận An) đặt câu hỏi: “UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 11/01/2023 triển khai Đề án phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đến nay, Đề án đã thực hiện được những nội dung gì? Và để hoàn thành kế hoạch thực hiện Đề án, cần tập trung thực hiện những giải pháp gì trong thời gian tới?”
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Tổ đại biểu TP. Thuận An) đặt câu hỏi
Ông Bùi Hữu Toàn cho biết, Đề án xác định 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch. Qua gần 03 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu. Trước hết, là sự đổi mới nhận thức và tư duy phát triển du lịch của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và thực hiện xây dựng thương hiệu Du lịch Bình Dương.
Sở đang rà soát hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch với 6 nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng khách sạn. Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay); xây dựng mô hình vườn cây ăn quả, cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp với kinh doanh du lịch; hỗ trợ cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp với kinh doanh du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và tham gia các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Ngành đẩy mạnh triển khai các chương trình thông tin, xúc tiến du lịch, giới thiệu hình ảnh du lịch Bình Dương; chú trọng phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch…
Trong thời gian tới, Sở tiếp tục quan tâm phổ biến cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch về các nền tảng số trong lĩnh vực du lịch để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cũng như góp phần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành và quảng bá du lịch; xây dựng các ứng dụng hướng dẫn tham quan du lịch thông minh. Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng giao thông đường thủy, các bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch ven sông. Đẩy mạnh hợp tác với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh nhằm xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết hiệu quả…
Bảo tồn làng nghề truyền thống kết hợp du lịch
Trả lời câu hỏi của đại biểu về những giải pháp mà tỉnh sẽ thực hiện để vừa giữ gìn, bảo tồn, vừa phát huy được những giá trị truyền thống của những sản phẩm này trong lĩnh vực du lịch, ông Bùi Hữu Toàn cho biết, Bình Dương có 66 di tích được xếp hạng (trong đó có 13 di tích cấp Quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh), 01 Bảo tàng cấp tỉnh và 01 Bảo tàng tư nhân (Bảo tàng Dược cổ truyền Việt Nam – Fito Museum), 01 Bảo tàng Gốm sứ Minh Long I (đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động). Ngoài ra, còn có 09 nghề truyền thống. Trong đó, nghề sơn mài ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một và “Nghề gốm Bình Dương” đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia”.
Ông Bùi Hữu Toàn – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trả lời chất vấn
Trong thời gian qua, ngành du lịch Bình Dương đã và đang tận dụng những lợi thế của các làng nghề để khai thác loại hình tham quan, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để phục vụ du khách; đồng thời, các làng nghề truyền thống còn gắn kết với những điểm phục vụ du khách đến tham quan, kết hợp mua sắm.
Để phát huy được những giá trị truyền thống của những sản phẩm du lịch này, ngành sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển Làng sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch để hình thành địa điểm du lịch tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất sản phẩm, trải nghiệm nghề và mua sắm sản phẩm làm quà lưu niệm.
Xây dựng các tour du lịch tham quan làng nghề kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các tuyến du lịch khác; liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng tour trải nghiệm cho du khách tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống mà tại đó du khách có thể tự tay thiết kế, tạo ra các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ dựa vào các làng nghề thủ công truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, làm heo đất, làm guốc…
Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh các nghề, làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tại các sự kiện, hội chợ du lịch, trên các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch.
Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm phục vụ du lịch cho các chủ cơ sở, người lao động tại các làng nghề truyền thống.
Gỡ vướng về quy định đất đai trong xã hội hóa
Đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm (Tổ Đại biểu TP. Thủ Dầu Một) chất vấn: Qua kết quả giám sát của HĐND về công tác xã hội hóa trên địa bàn tỉnh cho thấy, có khá nhiều bất cập, hạn chế trong việc mời gọi các nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa – xã hội, trong đó phần lớn do vướng về quy định đất đai. Hiện nay, Luật Đất đai mới đã được triển khai, những quy định mới của Luật sẽ tháo gỡ và tạo điều kiện gì việc thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với đất công đưa vào thực hiện xã hội hóa?
Về vấn đề này, ông Ngô Quang Sự – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai 2024 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo bước tiến quan trọng khuyến khích xã hội hóa phát triển. Việc triển khai Luật Đất đai mới là một cơ hội quan trọng để giải quyết những vướng mắc trong công tác xã hội hóa.
Ông Ngô Quang Sự – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường trả lời chất vấn
Cụ thể, quy định chi tiết hơn về phương thức giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án xã hội hóa. Đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong việc sử dụng đất cho các dự án xã hội hóa.
Chính sách ưu đãi trong việc sử dụng đất công: Luật quy định cụ thể hơn về cơ chế ưu đãi, miễn giảm tiền thuê đất hoặc hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa. Điều này khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các lĩnh vực văn hóa – xã hội. Hiện nay, Sở Tài chính đang trong quá trình dự thảo quy định về chế độ ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án xã hội hóa trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định.
Ngoài ra, pháp luật đất đai còn cho phép thực hiện theo cơ chế thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác (không phải đất công) hoặc nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất có nhu cầu thực hiện dự án xã hội hóa chuyển mục đích sử dụng đất; hoặc được sử dụng đất ở kết hợp với mục đích công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh; hoặc nhận chuyển nhượng dự án có sử dụng đất (là các quỹ đất xây dựng công trình sự nghiệp trong các dự án đầu tư nhà ở thương mại theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt).
Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn, thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả đất công, phát triển kinh tế – xã hội, vừa đảm bảo các quyền lợi của cộng đồng dân cư.
Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các quy định mới của Luật Đất đai. Cụ thể, Sở đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương trong việc lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đề nghị các địa phương rà soát, xác định rõ nhu cầu sử dụng đất của từng lĩnh vực để bố trí trong quy hoạch các vị trí thực hiện dự án xã hội hóa, nhất là các quỹ đất công. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương được phê duyệt, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện công bố công khai, trong đó có danh mục các vị trí, dự án thu hút đầu tư tại địa phương để các cá nhân, hộ gia đình và tổ chức biết và thực hiện.
Ngoài ra, Kế hoạch thực hiện khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn năm 2020-2025 với 49 khu đất có tổng diện tích 4.807 hecta, trong đó quy hoạch phân bố đầy đủ, hợp lý quỹ đất để xây dựng cơ sở y tế, giáo dục – đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, địa phương.
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/ChiTiet.aspx?ID=15527