Chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp đầu mối chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 8.000 tỷ đồng dành cho hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Người dân chọn mua hàng Tết ở siêu thị Co.op Mart.
Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm này, sức mua tại nhiều điểm bán lẻ đã tăng từ 30- 40% so với những tháng trước.
Đồng thời, Tết Dương lịch cũng là giai đoạn mùa kinh doanh hàng Tết bước vào thời gian cao điểm nên hầu hết kênh phân phối, bán lẻ đều tăng cường nguồn cung, bình ổn giá và kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Cụ thể, tại một số kênh phân phối hiện đại lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh như hệ thống bán lẻ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã và đang cung ứng ra thị trường nguồn hàng hóa dồi dào, cùng phong phú hoạt động khuyến mãi và trải nghiệm đa dạng sản phẩm phục vụ mùa Tết 2025; trong đó, Saigon Co.op thực hiện khuyến mãi Tết với chủ đề “Đến Co.op chở Tết về” liên tục trong 59 ngày từ 1/12/2024 đến 28/1/2025, áp dụng 3.500 mặt hàng Tết giảm giá mạnh và đã được phủ đầy quầy kệ của hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… nên nhờ đó sức mua tại hệ thống bán lẻ này tăng từ 30%-40% so với những tháng kinh doanh trước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhà bán lẻ này luôn bám sát diễn biến thị trường để linh hoạt kịch bản phục vụ lượng khách đổ về mua sắm tăng dần theo sức nóng của thị trường Tết.
Đồng thời, hầu hết điểm bán của Saigon Co.op đều được tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm tươi sống, hàng thời vụ Tết… giúp khách hàng an tâm mua sắm.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng cũng nhấn mạnh nhằm chủ động nguồn cung đảm bảo giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết 2025 của người dân, Saigon Co.op đã chủ động triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dự trữ nguồn hàng với tổng sản lượng dự trữ hơn 12.000 tấn.
Phần lớn ngân sách ưu tiên cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường với mức tăng từ 30-50% so với tháng thường, tương ứng tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng; phần còn lại dành cho nhóm mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Tương tự, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn-trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (SATRA), bên cạnh đảm bảo cung ứng đầy đủ sản lượng phục vụ trong dịp Tết và hạn chế tăng giá trong thời điểm cận Tết, cũng chuẩn bị phương án kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh, không tồn trữ, mua bán hàng hóa không rõ xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đến nay, SATRA đã cùng với các doanh nghiệp thành viên và đối tác (nhà cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ SATRA) chuẩn bị đảm đảm đầy đủ nguồn hàng phục vụ Tết, với khả năng cung ứng tháng Tết khoảng 3.550 tấn, tăng khoảng 29,4% so với tháng thường (2.740 tấn) và tăng 10% với tháng giáp Tết cùng kỳ năm trước, tương ứng số vốn gần 500 tỷ đồng.
Đối với biện pháp đảm bảo hàng hóa an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, SATRA tăng cường kiểm nghiệm các chỉ tiêu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với nhóm mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết, gồm thịt và sản phẩm từ thịt; trứng, thủy hải sản; rau, củ quả; bánh, mứt.
Bên cạnh đó, SATRA đẩy mạnh hoạt động kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh và xử lý ngay đối với các sản phẩm chưa đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo hàng hóa kinh doanh phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc SATRA, cho biết trong dịp Tết, SATRA cũng chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại SATRA Võ Văn Kiệt, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây sẽ là điểm đến “one-stop-shopping” duy nhất trên đại lộ Võ Văn Kiệt, phục vụ người dân Quận 6 và các quận lân cận như Quận 8, 5, 11, Bình Tân và Tân Phú trong mùa mua sắm, vui chơi, giải trí Tết năm nay.
Liên quan đến thị trường Tết 2025, báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, về hoạt động phân phối hàng hóa thì sở phối hợp Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường.
Song song đó, tất cả điểm bán lẻ cần dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay sở cũng yêu cầu các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết…, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết.
Mặt khác, nhằm giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết hệ thống phân phối dự kiến có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart… hoạt động xuyên suốt Tết.
Riêng về việc chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25-43% thị phần; đồng thời các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-suc-mua-tai-nhieu-diem-ban-le-da-tang-tu-30-40–a338909.html