Theo những bậc cao niên, trước đây Bình Dương có một số rạp hát từng là trung tâm giải trí của người dân như: Rạp Thanh Bình, rạp Bình Minh (TP.Thủ Dầu Một); rạp Phạm Bửu (sau đổi thành rạp hát Dĩ An, TP.Dĩ An); rạp Hiệp Thành (sau đổi tên là rạp hát Búng) và rạp Lái Thiêu (TP.Thuận An). Hiện một số rạp đã được tháo dỡ và cải tạo thành công viên, nhà sách… Chỉ có rạp hát Thanh Bình là vẫn còn hoạt động với tên gọi Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một).
Rạp hát Thanh Bình, nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng phường Phú Cường trở thành nơi diễn ra nhiều hoạt động, nhưng vẫn chưa phát huy được hết giá trị mà người dân mong muốn
Ký ức huy hoàng
Đến rạp hát Thanh Bình, nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng phường Phú Cường, chúng tôi có dịp gặp nhạc sĩ Phan Hữu Lý, cây văn nghệ lão làng của đất Thủ, nghe ông kể về những ký ức của một “trung tâm giải trí”.
Theo nhạc sĩ Phan Hữu Lý, rạp Thanh Bình được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 20 nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng tăng của người dân địa phương, đặc biệt là qua các loại hình nghệ thuật như điện ảnh, cải lương, kịch nói.
Kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm đáng nhớ nhất với rạp hát này, nhạc sĩ Phan Hữu Lý cho biết, trước năm 1975, rạp có tên là Trần Trung hý viện; những hình ảnh của rạp hát năm xưa vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông. Sân khấu ở phía dưới, tên rạp hát được cách điệu trong ô chữ tròn phía trên rất đẹp. Khi ông lên 7 tuổi đã từng biểu diễn độc tấu đàn ghi ta trong chương trình văn nghệ thiếu nhi tại đây. Những tiết mục lúc đó do thầy Năm Phong hướng dẫn.
Sau năm 1975, rạp Thanh Bình là một trong những địa điểm vui chơi giải trí của cư dân Thủ Dầu Một và các vùng lân cận. Ngoài chiếu phim, đây còn là nơi tổ chức nhiều buổi biểu diễn cải lương, kịch nghệ và các chương trình văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo khán giả. Tại đây còn có lớp cổ nhạc do nhạc sĩ Hoàng Chung dạy trong hội trường. Ngoài sân thì có lớp võ thuật thiếu lâm long phi do đại võ sư Nguyễn Minh Trí dạy.
Ngoài nhạc sĩ Phan Hữu Lý, nhiều văn nghệ sĩ Bình Dương lớn tuổi vẫn còn nhớ những kỷ niệm từng gắn bó với rạp Thanh Bình. Nghệ sĩ Thăng Long nói mình từng hát ở rạp Thanh Bình nhiều bài của cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch như: “Trái tim và niềm tin” (ca ngợi đoàn viên thanh niên), “Khúc hát Bù Môn” (Phước Long), “Hò nước lên đồng” (cổ vũ phong trào hợp tác xã nông nghiệp)…
Theo nhạc sĩ Võ Đông Điền, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, lúc còn nhỏ, ông thường đến rạp xem chiếu phim hoặc xem hát cải lương của các đoàn tỉnh khác về. Vì chỉ có một rạp chiếu phim nên khán giả xem phim rất đông. “Chiếu phim thì ban ngày, cải lương thì hát ban đêm. Khán giả chen chúc nhau mua vé để xem, rất náo nhiệt và vui nhộn”, nhạc sĩ Võ Đông Điền nhớ lại.
Cần phát huy giá trị
Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, với sự phát triển của các hình thức giải trí mới như truyền hình và các rạp chiếu phim, rạp Thanh Bình dần mất đi sức hút. Cơ sở vật chất của rạp ngày càng xuống cấp, trong khi thị hiếu của khán giả cũng thay đổi. Điều này dẫn đến việc rạp ít hoạt động hơn và dần dần không còn duy trì được như thời kỳ hoàng kim.
Đến năm 2000, rạp bị đóng cửa vì sân khấu bị sập trong lúc biểu diễn (rất may không có diễn viên nào bị thương tích) cùng một số hạng mục, công trình khác bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Đúng 10 năm bị bỏ hoang, rạp Thanh Bình mới chính thức được phá dỡ để xây dựng công trình với tên gọi mới là Nhà Văn hóa Phú Cường. Sau gần 2 năm thi công, đến cuối tháng 3-2012, công trình Nhà Văn hóa Phú Cường cũng đã hoàn thành với mức tổng kinh phí hơn 18 tỉ đồng.
Ông Tạ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường, cho biết tuy đã được xây mới và đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng do hội trường không đúng chuẩn, âm thanh bị vang nên không tổ chức biểu diễn văn nghệ tại trung tâm. Ngoài ra, do diện tích bên ngoài hội trường nhỏ hẹp nên không tổ chức được các hoạt động thể thao. Hiện chỉ có CLB thể hình, khiêu vũ, yoga, bóng bàn và lớp học tình thương đang hoạt động tại đây. “Sắp tới địa phương sẽ sửa chữa cải tạo lại để bảo đảm công năng của các hạng mục, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người dân”, ông Tạ Trung Hiếu cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin – Thể thao TP.Thủ Dầu Một, hiện rạp hát Thanh Bình không còn hoạt động như một rạp chiếu phim hoặc trung tâm giải trí. Với nhiều người dân Thủ Dầu Một, đặc biệt là những người lớn tuổi, rạp Thanh Bình là biểu tượng của một thời kỳ văn hóa phong phú, nơi họ có nhiều kỷ niệm. Đây cũng là một địa danh văn hóa tiêu biểu ở đất Thủ, quê hương Bình Dương. |
THỤC VĂN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/ra-p-ha-t-thanh-bi-nh-noi-luu-giu-ky-u-c-a331864.html