Tỉnh Quảng Bình đang khai thác hơn 40 sản phẩm du lịch, trong đó nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút, thu hút du khách.
Bộ sưu tập Đồ dùng sinh hoạt của người Bru-Vân Kiều, Quảng Bình.
Quảng Bình có nhiều nhóm đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giàu tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa, lịch sử.
Đây là tiềm năng, lợi thế để các huyện miền núi phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống cho người dân gắn với bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Tỉnh đang khai thác hơn 40 sản phẩm du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút, thu hút du khách.
Trong số đó, có sản phẩm khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại vùng đồng bào Rục ở Thượng Hóa; khám phá khe nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn; trải nghiệm thiên nhiên ở bản Dộ-Tà Vờng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa).
Ngoài ra, các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm đặc trưng của Quảng Bình.
Một số lễ hội văn hóa độc đáo được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia như Lễ hội Đập trống của người Ma Coong (huyện Bố Trạch); Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều (huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy); Hò thuốc cá (huyện Minh Hóa)… đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của nhân dân và khách du lịch.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Netin (Quảng Bình), một trong những đơn vị tiên phong tạo ra những sản phẩm du lịch hướng đến việc khai thác các giá trị văn hóa, truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Hiện một số phong tục của đồng bào đang dần bị mai một, khách du lịch vẫn thiên về khám phá hang động. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, phong phú, chưa góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, nhận thức và sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, hệ thống chính trị về bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch, dịch vụ còn hạn chế.
Các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số chưa khuyến khích được người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững, do đó, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; chưa khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa, đặc biệt khu vực miền núi, biên giới; chưa tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm tại nhiều địa điểm để mở rộng các phân khúc thị trường khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất phụ trợ.
Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho rằng để khắc phục các hạn chế trên, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong số đó, các đơn vị chú trọng phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số là chủ thể quan trọng trong bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc; khơi dậy tinh thần trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Sở Du lịch Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm về tìm hiểu văn hóa-lịch sử; sinh hoạt lễ hội và văn hóa, nghệ thuật dân gian.
Địa phương phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.
Đồng thời, tỉnh tăng cường liên kết với các vùng, miền để hoàn thiện các chuỗi sản phẩm mang tính liên vùng, nâng cao tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, thu hút du khách nội địa và quốc tế.
Quảng Bình đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; gắn văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/quang-binh-phat-trien-du-lich-gan-voi-gin-giu-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-a333773.html