Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Dòng chảy Di sản” là sự kiện văn hóa-du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng của dân tộc.
Chương trình tổng duyệt cho Khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024.
Tối 24/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình) đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản.”
Dự chương trình có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đông đảo người dân, du khách thập phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Dòng chảy Di sản” là sự kiện văn hóa-du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng của dân tộc.
Festival được tổ chức với quy mô quốc gia, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện những bản sắc của vùng miền đất nước nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước; đồng thời, kết nối hành trình trải nghiệm của người dân và du khách.
Ông Lê Hoài Trung ghi nhận và đánh giá cao trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, bằng ý chí và khát vọng vươn lên, đoàn kết, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ninh Bình trung bình hằng năm đạt trên 8%; công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp thực sự trở thành động lực trong tăng trưởng, du lịch cũng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần tích vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh.
Hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhất là hạ tầng giao thông, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Với những nỗ lực vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khát vọng, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng đất Cố đô để xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; sẵn sàng cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, cho biết với vị trí là địa bàn chuyển tiếp, giao thoa giữa các vùng địa chất-khí hậu-văn hóa, Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc thiên nhiên “sơn thanh, thủy thú,” được bồi đắp, thêu dệt bằng bàn tay nghệ thuật và óc sáng của con người mà dấu ấn còn in đậm ở nhiều tầng di sản văn hóa.
Cùng với những di tích thời tiền sử, mảnh đất Hoa Lư-Ninh Bình vào thế kỷ 10 được lịch sử trao sứ mệnh đế đô đầu tiên của dân tộc gắn với 3 triều đại, 6 đời vua triều Đinh-Tiền Lê-Lý, ghi dấu sự nghiệp thống nhất non sông, xác lập nền độc lập, chủ quyền đầy đủ, nâng tầm vị thế quốc gia…
Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu, tạo cơ hội để Ninh Bình mở rộng giao lưu, hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với những thành tựu đạt được sau gần 40 năm đổi mới và hơn 32 năm tái lập tỉnh, với kinh tế-xã hội phát triển toàn diện, là tỉnh tự cân đối về ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước đã tạo nền tảng vững chắc để Ninh Bình tiếp tục bứt phá, vươn lên mạnh mẽ.
Phấn đấu đến năm 2035 tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; một trung tâm công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phía Nam đồng bằng sông Hồng và ngày càng hội nhập sâu rộng vào mạng lưới các đô thị di sản, thành phố sáng tạo sở hữu danh hiệu UNESCO.
Tiếp nối thành công của 2 kỳ Festival Ninh Bình năm 2022 và 2023, Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024 tiếp tục khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản; tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy tinh hoa Cố đô Hoa Lư nằm trong dòng chảy di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; tạo sản phẩm văn hóa đặc sắc thu hút khách du lịch, tạo sự đoàn kết, gắn bó, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển.
Từ ngày 23-30/11, Festival Ninh Bình lần thứ 3 với chủ đề “Dòng chảy di sản” sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đa sắc màu với các chương trình biểu diễn nghệ thuật ấn tượng, đặc sắc được xây dựng theo phong cách dã sử cổ trang sống động cùng ý tưởng về “Dòng chảy di sản” từ hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam – hành trình lập đô, dời đô, định đô của các bậc đế vương trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Bên cạnh đó là không gian triển lãm thơ đương đại ngoài trời kết hợp với trải nghiệm nghệ thuật thưởng trà, ngâm thơ và nghe nhạc cổ truyền theo phong cách dân gian gắn với thúc đẩy trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời tại Chương trình Hội quán Dục Thúy Sơn; Lễ hội đường phố ngập tràn sắc màu dân gian với tinh hoa di sản nghề thủ công truyền thống, chợ xưa nếp cũ, cổ phục-cổ trang, nghệ thuật đường phố; Đại nhạc hội dân gian điện tử với sự giao thoa của âm thanh và trải nghiệm thị giác…/.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/khai-mac-festival-ninh-binh-lan-thu-3-voi-chu-de-dong-chay-di-san-a336218.html