Dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn khởi vì đơn hàng tăng nên nhiều doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải sắp xếp lại để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh sự tất bật đó, doanh nghiệp vẫn canh cánh nỗi lo thiếu vốn.
Nhu cầu lớn về vay vốn
Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết dịp cuối năm ngành da giày thường khá bận rộn vì đơn hàng tăng. Tuy vậy, do chi phí sản xuất tăng nên doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn. DN mong muốn ngành ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để DN có nguồn vốn duy trì sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ.
Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Bình Dương
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, dịp cuối năm đơn hàng xuất khẩu của DN ngành gỗ tăng so với các quý trước trong năm. Tuy vậy, chi phí liên quan đến sản xuất tăng, cùng với đó có những DN còn tồn kho nhiều nên vòng quay vốn đang bị đình trệ, DN không kịp xoay sở tài chính để thanh toán các khoản vay đến hạn. Vì vậy, kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách cơ cấu nợ, gia hạn nợ, kéo giãn thời gian thanh toán các khoản vay để DN duy trì được dòng vốn, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng.
Đối với DN vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hiện còn gặp nhiều khó khăn, do yêu cầu phải có tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo), cho hay hiện nay các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm chứ không cho vay tín chấp theo dự án, hợp đồng sản xuất, xuất khẩu; có ngân hàng định giá tài sản thế chấp với giá rất thấp, nên DN nhỏ, hợp tác xã khó tiếp cận được nguồn vốn vay đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Ông Quyết kiến nghị ngân hàng có chính sách thông thoáng hơn, điều chỉnh lãi suất vay phù hợp để DN, hợp tác xã dễ tiếp cận nguồn vốn vay.
Nỗ lực từ ngân hàng
Ghi nhận cho thấy, tín dụng năm nay tăng trưởng thực chất hơn, dòng vốn đã và đang chảy mạnh vào các lĩnh vực được Chính phủ, ngành ngân hàng khuyến khích.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) – Chi nhánh Bình Dương
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang tập trung cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Cho vay nông nghiệp – nông thôn; cho vay xuất khẩu; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa; cho vay công nghiệp hỗ trợ; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao, với mức lãi suất vay 4%/năm. Hiện tại, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Tính đến cuối tháng 9-2024, ước tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 339.256 tỷ đồng, tăng 3,55% so với đầu năm, tăng 11,29% so với cùng kỳ năm 2023; ước tổng huy động là 316.514 tỷ đồng. Với định hướng của NHNN và sự chỉ đạo quyết liệt của ngành ngân hàng, hiện nay dòng vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu đi vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và một phần phục vụ cho tiêu dùng.
Về chính sách giảm lãi suất vay, ông Võ Đình Phong cho biết NHNN đang chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiết giảm chi phí để phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay và chủ động công bố thông tin về lãi suất cho vay, chương trình tín dụng có ưu đãi lãi suất cho vay (nếu có) đến khách hàng nhằm hỗ trợ DN, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, NHNN cũng chủ động rà soát, đánh giá hoạt động của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ tǎng trưởng tín dụng thấp để có giải pháp kết nối, tháo gỡ khó khǎn cho cả bên cung và bên cầu tín dụng, thúc đẩy dòng vốn tăng trưởng hiệu quả, đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2024 (mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 14-15%).
NHNN Việt Nam đã có Thông tư 06 và Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Tính đến cuối tháng 8-2024, lũy kế tổng dư nợ gốc/ lãi có số dư được cơ cấu thời hạn là khoảng 4.121 tỷ đồng, với 863 lượt khách hàng. |
THANH HỒNG
Nguồn: https://baobinhduong.vn/go-kho-giup-doanh-nghiep-kip-thoi-vay-von-a333070.html