Cách đây 80 năm, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc hai xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Theo tổng tập hồi ký của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “22 tháng 12 năm 1944. 5 giờ chiều. Lễ thành lập đội cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai Tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (địa danh khi đó). Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc”.
“Rừng thiêng” Trần Hưng Đạo
Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 50 km, phân bố trên địa bàn hai xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình. Khu di tích có năm điểm di tích chính gồm: Khu rừng Trần Hưng Đạo; đồn Phai Khắt, nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân; Hang Thẳm Khẩu, nơi tập kết của đội khi chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt; di tích Vạ Phá, nơi huấn luyện quân sự của Tổng bộ Việt Minh (tháng 2/1944) ở xã Tam Kim; di tích đồn Nà Ngần, ở xã Hoa Thám.
Trong đó, rừng Trần Hưng Đạo là một khu rừng nguyên sinh, rộng hơn 200 ha. Tại sân chính Khu di tích có bức phù điêu tạc bằng đá tái hiện lại thời khắc đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc.
Phía bên trái, trên một ngọn đồi cao, là Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Tại nơi đây, quanh năm, suốt tháng, nhiều đoàn đại biểu, đoàn du khách đến thành kính dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng kính yêu, người “Anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.
Theo con đường nhỏ dưới tán rừng, du khách đến địa điểm đã diễn ra lễ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân cách đây 80 năm. Tại nơi đây, ngày 22/12/1944 đã đi vào lịch sử, sau khi tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ của Đội đã đọc vang 10 lời thề danh dự.
Trong đó, “Điều 1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát-xít Nhật, Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”…
Điều 3, “Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi, máu chảy cũng không lùi bước”…, 10 lời thề danh dự hôm đó của các chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân dường như vẫn vang vọng đến hôm nay và mãi mãi mai sau.
Tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, quyết hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân của các chiến sĩ vẫn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp thu, tiếp nối, viết nên những trang sử hào hùng của Quân đội ta.
Giới thiệu về nhà bia trung tâm trong khu di tích, với chất giọng trầm ấm, hướng dẫn viên Hoàng Thị Hè kể, năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã đầu tư xây dựng nhà bia trung tâm trong khu di tích.
Tấm bia trung tâm có bốn mặt chữ vàng, khắc toàn văn Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân; 10 lời thề danh dự mà đồng chí Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ đã đọc vang hôm đó; danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Đến nay, 10 lời thề danh dự Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân vẫn là kim chỉ nam đối với mỗi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tham gia đoàn học sinh giỏi môn lịch sử tham quan khu di tích, em Triệu Thị Hoàng Ngọc, học sinh lớp 12A1, Trường trung học phổ thông huyện Nguyên Bình chia sẻ, vinh dự được lựa chọn tham gia đoàn tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, cháu rất xúc động, thêm hiểu sâu sắc về tình yêu nước nồng nàn, tinh thần anh dũng, sẵn sàng chịu đựng, vượt qua hy sinh, gian khổ của cha ông ta, của các thế hệ cách mạng tiền bối vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cảm phục trước tấm gương anh dũng, hy sinh của cha ông, của các thế hệ cách mạng tiền bối, những chiến sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, cháu xác định cần tiếp tục học tập tốt, rèn luyện tốt, để sau này góp phần nhỏ bé, tiếp bước các thế hệ cha anh xây dựng và phát triển đất nước.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho các sự kiện nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho biết, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo đã được đầu tư, xây dựng khang trang, xứng tầm.
Chuẩn bị cho các sự kiện diễn ra trong tháng 12 lịch sử, cán bộ, nhân viên Ban quản lý đã thực hiện tốt công tác chỉnh trang, vệ sinh khuôn viên khu di tích, đồng thời, bố trí nhân lực, hướng dẫn viên, sẵn sàng phục vụ chu đáo các đoàn đại biểu, đoàn du khách đến khu di tích.
Đoàn đại biểu Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và học sinh tại Nhà bia trong Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.
Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”
Đúng như nhận định, định hướng của lãnh tụ Hồ Chí Minh đề cập trong chỉ thị của Người về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân: “… Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang…”, trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.
Quân đội ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; làm nên Chiến thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện nguyên tắc tự lực, tự cường, kết hợp với mua sắm trang bị, vũ khí hiện đại, quân đội ta đã xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại một cách toàn diện.
Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn xung kích, đi đầu có mặt ở những điểm “nóng” thiên tai, bão lũ, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy tiềm ẩn để tìm kiếm, cứu nạn, giúp người dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng danh đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”.
Tự hào là lực lượng vũ trang trên quê hương nơi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển khai sâu, rộng các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá Dương Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng chia sẻ, lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh các phong trào thi đua bảo quản vũ khí trang bị, huấn luyện bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc.
Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang địa phương cũng gắn bó, thực hiện tốt công tác dân vận, giúp nhân dân làm đường giao thông, xây dựng, sửa chữa nhà ở, xây dựng nông thôn mới… Tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản nhân dân. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã kịp thời có mặt giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Bà Vũ Thị Út, ở tổ 2, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng chia sẻ: “Mưa lớn, nước sông dâng cao, tràn vào tầng một, gia đình tôi hoang mang, lo lắng không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn, thì cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã kịp thời có mặt, giúp gia đình di chuyển đồ đạc có giá trị lên tầng hai, kê cao đồ dùng sinh hoạt ở tầng một, giúp gia đình tôi giảm thiệt hại do ngập lụt”.
Tại những điểm nóng về sạt lở đất, gây thiệt hại về người như xóm Khuổi Ngọa, xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành; xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã kịp thời có mặt, túc trực tại hiện trường, dầm mưa, lội bùn đất, tranh thủ thời gian tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Những việc làm “vì dân, vì nước” của các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” đã tô thắm trang sử hào hùng, vẻ vang của Quân đội ta và khắc họa trong lòng nhân dân truyền thống “ở đâu dân khó, ở đó có bộ đội”.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đội quân năm xưa thành lập dưới tán rừng Trần Hưng Đạo, ngày càng vững mạnh về chính trị, tinh gọn về tổ chức, hiện đại về vũ khí, trang bị, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.
Theo NDO
Nguồn: https://baobinhduong.vn/duoi-tan-rung-thieng-noi-quan-doi-ta-ra-doi-a338248.html