Ðồng bào Khmer Nam Bộ nổi tiếng với đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó các lễ hội truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng. Lễ hội Ok Om Bok diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, là dịp để nhân dân vui chơi giải trí, gắn kết cộng đồng, phum, sóc.
Chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, gắn kết cộng đồng của người Khmer tỉnh Trà Vinh.
Lễ hội Ok Om Bok, hay “Hội đút cốm dẹp”, được tổ chức trong lúc cúng trăng nên còn được gọi là Lễ hội Cúng trăng. Vào những ngày này, đồng bào Khmer tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang,… rất phấn khởi, hào hứng với các hoạt động của Tuần lễ Văn hóa, du lịch gắn với lễ hội Ok Om Bok.
Việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã tạo ra các sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng miền, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Phum sóc rộn ràng, no ấm
Tỉnh Trà Vinh có dân số hơn một triệu người, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 32%. Với sự hỗ trợ của Trung ương cùng việc tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đến nay, tỷ lệ hộ gia đình nghèo của tỉnh còn 1,19%, cận nghèo 2,35%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 81,7 triệu đồng, số hộ gia đình có mức sống trung bình, thu nhập khá, giàu ngày càng tăng.
Tỉnh có 59 xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, đến nay tất cả các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Từ ngày 9 đến 15/11, tỉnh tổ chức Tuần lễ Văn hóa, du lịch gắn với lễ hội Ok Om Bok có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc, hấp dẫn, bao gồm: Không gian ẩm thực Nam Bộ; hội chợ xúc tiến thương mại; liên hoan múa không chuyên dân tộc Khmer; đua ghe ngo; đêm lễ hội Ok Om Bok;…
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Thạch Mu Ni cho biết, lễ hội Ok Om Bok được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội được tổ chức khi kết thúc vụ mùa, để bày tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng – vị thần theo tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ đã giúp bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại no ấm cho người dân ở phum, sóc. Cúng trăng là nghi lễ chính trong lễ hội Ok Om Bok được tổ chức tại khuôn viên chùa, trong từng nhà dân hay tập trung ở một bãi đất rộng rãi. Ngày nay, lễ cúng đơn giản hơn, chỉ cần một cái bàn và bày lên đó các lễ vật. Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, trà, bánh; người chủ lễ cắm đèn cầy và nhang chung quanh lễ vật.
Chuẩn bị lễ vật xong, mọi người trải chiếu ngồi, chắp tay quay mặt về phía mặt trăng để chờ làm lễ. Khi mặt trăng lên cao, tỏa ánh sáng vằng vặc thì mọi người thắp nhang, đèn, rót trà. Ở chùa thì các vị tăng sư làm chủ lễ, còn tại nhà là người lớn tuổi nhất.
Người chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn, xin thần Mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do người dân dâng cúng; cầu mong mọi người sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Cúng xong, chủ lễ lấy cốm dẹp và các đồ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng trẻ em, hỏi các cháu mong ước điều gì. Trẻ em sẽ nói lên ước nguyện của mình và chủ lễ cũng khuyên bảo các cháu chăm ngoan, học giỏi để mai sau giúp ích cho đời…
Những ngày này, ông Danh Hiệp, sinh năm 1960, ngụ ấp Hòa Hớn, xã Ðịnh Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đang tất bật cùng con, cháu vận động nam, nữ thanh niên tập dợt cùng đội ghe ngo chùa Cà Nhung để sẵn sàng tham gia giải đua ghe ngo tỉnh Kiên Giang lần thứ 16, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/11 dịp lễ hội Ok Om Bok. Vợ chồng ông Hiệp có bốn người con, trong đó ba người là giáo viên và công chức đang công tác trên địa bàn xã.
Ông Hiệp phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi canh tác 3 ha lúa cao sản, nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất năng suất lúa đạt 7-7,5 tấn/ha, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng”. Vụ lúa thắng lợi đã mang lại không khí náo nức chuẩn bị cho lễ hội trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðịnh Hòa, huyện Gò Quao Võ Minh Mạnh, xã có dân số hơn 15.300 người, người Khmer chiếm 63,6%. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; đến nay đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,07%, thu nhập bình quân đầu người đạt 68,9 triệu đồng/năm. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đồng bào Khmer xã Ðịnh Hòa đang tích cực xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.
Phát huy giá trị di sản gắn với du lịch
Dân số tỉnh Sóc Trăng là gần 1,2 triệu người; trong đó, khoảng 36% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì thế, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 7,01%. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào Khmer từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào được giữ gìn và phát huy.
Tuần lễ Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024 gắn với lễ hội Ok Om Bok – Ðua ghe ngo cấp khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long lần thứ sáu của tỉnh Sóc Trăng cũng diễn ra từ ngày 9 đến 15/11.
Bất chấp cái nắng gay gắt, trưa 14/5, hàng trăm nghìn người dân Sóc Trăng và du khách kéo về kín hai tuyến đường ven sông Maspero, thành phố Sóc Trăng để xem các đội ghe ngo tranh tài sôi nổi. Ðồng bào Khmer, Kinh, Hoa, Chăm trong và ngoài tỉnh reo hò cổ vũ rất nhiệt tình cho tất cả các đội đua.
Thông qua các hoạt động quảng bá du lịch của Tuần lễ Văn hóa, du lịch và lễ hội Ok Om Bok tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, du khách thích thú tham quan, trải nghiệm các công trình văn hóa, tâm linh độc đáo của đồng bào Khmer. Tận dụng thế mạnh tự nhiên và các di sản văn hóa với phát triển du lịch, từ đầu năm đến hết tháng 10, doanh thu du lịch tỉnh Trà Vinh đạt 2.119,069 tỷ đồng, với 302.909 lượt khách tham quan và lưu trú; trong đó có 8.598 lượt khách quốc tế.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các tỉnh, thành phố khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp giúp đồng bào Khmer nâng cao đời sống. Trong đó có việc đẩy mạnh phát triển du lịch di sản văn hóa, nhất là văn hóa đồng bào Khmer kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ðồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong, các tỉnh, thành phố trong khu vực đang đẩy mạnh công tác quảng bá di sản văn hóa và các điểm du lịch qua các kênh truyền thông hiện đại. Ðồng thời, tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn dựa trên giá trị di sản. Tăng cường xúc tiến đầu tư, hợp tác với các tổ chức quốc tế để có nguồn lực, kinh nghiệm bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch, từ đó tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
Theo nhandan.vn
Nguồn: https://baobinhduong.vn/dong-bao-khmer-nam-bo-ron-rang-don-le-hoi-ok-om-bok-a335597.html