“Hồi sinh” những vỏ sữa vứt đi thành đồ chơi cho trẻ
Tuổi nghề và tuổi đời đều trẻ, cô giáo Thanh Tuyền gây ấn tượng với việc đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo trong làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; qua đó lồng ghép tích hợp vào các tiết dạy để giúp trẻ dễ hiểu, nhớ lâu.
Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, những giờ học của cô Tuyền luôn mang đến cho các em nhỏ những điều mới mẻ và thú vị.
Bằng sự khéo tay và sáng tạo, cô Tuyền thường xuyên tận dụng những phế liệu để tạo nên những đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như trang trí trong các góc hoạt động của lớp.
Cô Đoàn Thị Thanh Tuyền, giáo viên, Tổ phó chuyên môn khối Lá của Trường Mầm non Võ Thị Sáu, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: NVCC.
Mới đây, cô giáo trẻ cùng ngôi trường của mình giành 3 giải Nhất “Hồi sinh vỏ hộp sữa” trong cuộc thi Phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa do Tỉnh đoàn phối hợp với Sở GD-ĐT Bình Dương tổ chức.
Từ những vỏ hộp sữa giấy vứt đi, cô giáo đã cùng đồng nghiệp sáng chế ra chiếc xe đồ chơi, hay làm nón để đội, cắt thành bông hoa trang trí trên khung ảnh,…
Còn vỏ hộp sữa dạng lon nhựa, cô biến chúng thành những chiếc đèn lồng hoặc đổ xi măng vào sau khi đặt ống nước ở giữa để tạo giá đỡ cho các biển báo giao thông hoặc làm mục tiêu cho trò chơi ném vòng,…
Những hộp sữa sau khi sử dụng được cô Tuyền sáng chế thành các món đồ chơi, vật dụng.
Cô giáo trẻ còn tích cực nghiên cứu các tài liệu, tìm kiếm các phương pháp dạy mới theo phương pháp STEM/STEAM để giúp trẻ hứng thú hơn, qua đó nâng cao chất lượng dạy học.
Thanh Tuyền cũng góp phần cùng ngôi trường của mình giành 3 giải Nhất ở Hội thi trưng bày đồ dùng sản phẩm STEM/STEAM cấp thành phố (giải đồ dùng STEM ứng dụng vào việc học của học trò hiệu quả nhất; giải trưng bày sản phẩm đẹp nhất; giải học trò do giáo viên hướng dẫn giới thiệu về sản phẩm STEM).
… và được sử dụng cho trẻ khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Ảnh: NVCC
Cô Tuyền cho hay, với cô, nghề nuôi dạy trẻ không chỉ là một công việc đơn thuần mà còn là sứ mệnh chăm sóc và yêu thương, mang đến sự quan tâm đặc biệt cho từng em nhỏ. Tuy vậy, thời gian đầu, cũng như bao giáo viên khác, cô gặp nhiều khó khăn.
“Lúc đầu, tôi nghĩ đơn giản rằng giáo viên mầm non chỉ dạy trẻ hát, múa và thêm một chút kiến thức. Thế nhưng khi vào công việc thực sự, tôi mới hiểu vai trò của mình như một người mẹ đa năng, vừa chăm sóc, nuôi dưỡng, có khi như bác sĩ, khi như người dọn vệ sinh…”, cô Tuyền nói.
Bên cạnh đó, thời gian đầu, một số phụ huynh chưa đặt niềm tin ở giáo viên trẻ như cô. “Trẻ ở lứa tuổi nhỏ đôi khi đi học về truyền đạt không đúng khiến phụ huynh có những suy nghĩ, quan điểm sai lệch hoặc không tin tưởng. Những lần đó, tôi cảm thấy rất tủi thân. Cứ nghĩ nghề của mình đã cực, lại phải chịu áp lực không đáng có từ phụ huynh, không ít lần tôi muốn gục ngã”, cô Tuyền chia sẻ.
Tuy vậy, với tình yêu thương trẻ cùng sự động viên, giúp đỡ của gia đình và đồng nghiệp, cô Tuyền đã vượt qua tất cả và ngày càng yêu nghề hơn.
Những lon sữa bằng nhựa sau khi sử dụng được cô giáo sáng tạo thành đèn lồng, vật trang trí góc lớp,…
Làm giáo viên mầm non, cô Tuyền cũng tập làm quen với việc phải nói nhiều, và dọn vệ sinh cho trẻ.
“Riêng chuyện đi vệ sinh của trẻ, thời gian đầu chưa quen nếp, khi hỏi đi chưa thì các con không trả lời, tôi và đồng nghiệp phải đến chỗ từng trẻ ngủ, kéo từng cái quần ra để ngửi. Những lúc đó cứ nghĩ không biết mình là gì và đang làm gì”, cô giáo cười.
Cô Tuyền luôn xác định “trẻ em như một tấm gương phản chiếu, khi ta yêu trẻ bao nhiêu sẽ nhận lại được bấy nhiêu tình yêu của trẻ”.
“Tôi luôn dặn mình cứ nỗ lực, cố gắng làm việc bằng tất cả tâm huyết và trái tim chắc chắn phụ huynh sẽ hiểu, chia sẻ và nhìn nhận đúng hơn về mình”, cô Tuyền nói.
Cô Tuyền cùng các đồng nghiệp Trường Mầm non Võ Thị Sáu trong công cuộc “hồi sinh” vỏ hộp sữa. Ảnh: NVCC.
5 năm liền là được tuyên dương giáo viên tiêu biểu
Dần dần, những tâm huyết của cô Tuyền cũng được đáp lại bởi sự yêu mến của trẻ và sự tin tưởng của phụ huynh.
Cô giáo trẻ là người bồi dưỡng học sinh tham gia thi Búp bê xinh ngoan cấp tỉnh đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba; bồi dưỡng học sinh tham gia vẽ tranh cấp tỉnh đạt 1 giải A, 4 giải B và 6 giải Khuyến khích.
Cô cũng tích cực, hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn các trường thực hiện tốt nội dung thiết kế môi trường giáo dục theo quan điểm “Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm”.
Ảnh: NVCC.
Nỗ lực cùng cái tâm với nghề, cô giáo được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.
Cô giáo 9X đạt danh hiệu “Giáo viên trẻ tiêu biểu” cấp tỉnh 5 năm liền (từ 2020 đến 2024). Đây là thành tích chưa từng có tại Trường Mầm non Võ Thị Sáu và cũng là duy nhất của tỉnh Bình Dương.
Cô cũng 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; “Giáo viên dạy giỏi” cấp tỉnh năm 2021; Bằng khen giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp trung ương” năm 2022.
Mới đây, cô Thanh Tuyền là một trong ba giáo viên xuất sắc của tỉnh Bình Dương được Bộ GD-ĐT vinh danh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Ảnh: NVCC.
Bà Trần Thị Kim Chung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Võ Thị Sáu nhận xét cô Tuyền là giáo viên rất năng động, sáng tạo, luôn cố gắng tìm ra nhiều phương pháp giáo dục mới cho trẻ và được phụ huynh ghi nhận, đánh giá rất cao.
Cô Tuyền cho hay, bản thân chưa hài lòng với những thành tích, luôn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người. “Tôi luôn muốn nghiên cứu, sáng tạo trong những tiết dạy mới theo phương pháp mới để trẻ có nhiều cơ hội hoạt động, trải nghiệm, hứng thú hơn khi đến trường”, cô Tuyền nói.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/co-giao-hoi-sinh-nhung-vo-hop-sua-5-nam-lien-tiep-la-giao-vien-tieu-bieu-2348753.html