Năm 2025, bên cạnh việc nỗ lực gia tăng năng lực xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải sẵn sàng các nguồn lực cần thiết thích ứng trước các vụ kiện phòng vệ thương mại ở thị trường này.
Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương sang thị trường Hoa Kỳ. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần may Bình Dương
Nhiều thách
Theo Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) (Bộ Công thương), Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đạt 122,4 tỷ đô la Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam rất lớn (xuất siêu 95,4 tỷ đô la Mỹ). Đây chính là lý do các hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất của Hoa Kỳ theo đuổi các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, vì thế các hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất Hoa Kỳ cũng luôn coi Việt Nam là đối tượng trong các vụ kiện PVTM.
Đáng lưu ý, Hoa Kỳ đã ban hành các quy định mới về điều tra PVTM (đặc biệt là biện pháp trợ cấp sản xuất hàng hóa) nhằm tạo thuận lợi cho quá trình điều tra của cơ quan chức năng Hoa Kỳ, đồng nghĩa với việc gánh nặng chứng minh sản phẩm không có trợ cấp sẽ nhiều hơn đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
Thiệt hại lớn nhất khi Hoa Kỳ gia tăng các vụ điều tra PVTM đó là DN Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian, nguồn lực hơn nữa để tham gia, theo đuổi vụ kiện. Mặt khác, mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu có thể tăng cao khi quy định mới của Hoa Kỳ về các chương trình trợ cấp sản xuất sản phẩm xuất khẩu được mở rộng phạm vi và nội hàm; đồng thời có thể bị kiện ở bất kỳ ngành hàng nào xuất khẩu vào thị trường này. Các nước khác cũng có thể xem xét khởi kiện nếu vụ kiện ở Hoa Kỳ về mặt hàng đó thành công. Do đó, các DN Việt Nam phải đầu tư nguồn lực để ứng phó với các vụ điều tra, tăng cơ hội thắng kiện.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM, cho rằng khi xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, các DN trong nước phải luôn trong tâm thế sẵn sàng là mình có thể bị kiện PVTM bất cứ lúc nào, vì DN Hoa Kỳ tận dụng rất hiệu quả công cụ này. DN cần tăng cường nắm bắt thông tin từ sớm, từ xa thị trường Hoa Kỳ, qua đó cung cấp thông tin cho cơ quan liên quan trong quá trình vận động giải trình trong các vụ điều tra. DN cũng cần tìm hiểu kỹ các công cụ PVTM của Hoa Kỳ, cũng như quy trình, thủ tục, nắm vững kiến thức pháp luật về vấn đề này.
Chuyên gia Cục Phòng vệ thương mại thông tin giải pháp ứng phó phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ
Chuẩn bị tốt nguồn lực để thích ứng
Ông Chu Thắng Trung lưu ý, Hoa Kỳ thường điều tra nhóm quốc gia, nếu các DN Việt Nam chủ động ứng phó tốt thì mức thuế bị áp dụng sẽ thấp hơn các quốc gia khác. DN phải luôn chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, phù hợp để xử lý khi vụ việc xảy ra, như lưu trữ hồ sơ, tài liệu chứng từ về nguyên liệu đầu vào phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, DN cần nghiên cứu, xem xét hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu từ thị trường bị Hoa Kỳ coi là đối tượng áp các biện pháp PVTM. Nếu vụ việc xảy ra, cần hợp tác đầy đủ với cơ quan liên quan của Hoa Kỳ, kể cả các đoàn điều tra của Hoa Kỳ sang Việt Nam điều tra thực tế.
Trước những thách thức ngày càng tăng từ các biện pháp PVTM của Hoa Kỳ, các DN Bình Dương đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng phó để giảm thiểu rủi ro và duy trì vị thế cạnh tranh. Riêng đối với ngành gỗ, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, các DN trong ngành nhận định năm 2025 tiếp tục có nhiều thách thức trong hoạt động xuất khẩu, do tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ và áp thuế từ nhiều quốc gia… Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đã và đang thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm hỗ trợ DN thành viên thích ứng tốt PVTM từ thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường xuất khẩu lớn khác.
Năm 2025 cơ hội xuất khẩu sang t hị trường Hoa Kỳ đối với ngành gỗ rất khả quan, song Ban lãnh đạo công ty khá lo lắng về vấn đề PVTM. Tôi mong muốn các bộ, ngành, địa phương có thêm những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành gỗ xuất khẩu minh bạch hóa thị trường, tránh những rủi ro khi xuất khẩu”.
|
TIỂU MY – CẨM TÚ
Nguồn: https://baobinhduong.vn/chu-dong-thich-ung-phong-ve-thuong-mai-tai-thi-truong-hoa-ky-a338638.html