Hôm qua (10-12), tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề “nóng” như công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; công tác quản lý nhà nước về văn hóa – du lịch… mà cử tri quan tâm đã được các đại biểu chất vấn; lãnh đạo các sở, ngành trả lời thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao.
Làm rõ vấn đề về sách giáo khoa
Tại kỳ họp, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) một số nội dung, như: Tình trạng cơ sở vật chất còn thiếu so với nhu cầu thực tế; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; chính sách hỗ trợ cho nhân viên, giáo viên ngành GD&ĐT… Đáng chú ý, đại biểu Trương Thanh Nga đã chất vấn một nội dung mà đông đảo cử tri trên địa bàn tỉnh quan tâm: Qua các đợt tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến phản ánh xoay quanh việc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa (SGK) mới như cùng 1 bộ sách nhưng có nhiều nhà xuất bản (NXB) khác nhau; sách đã sử dụng ở năm học trước thì không thể sử dụng lại cho năm học sau; việc mua lẻ thêm sách theo môn học nhiều lúc không có… Vì vậy, bà Trương Thanh Nga đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết các giải pháp khắc phục những hạn chế trên.
Đại biểu nêu câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.TRỌNG
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Nhằm theo kịp sự tiến bộ của thế giới, phá vỡ độc quyền trong biên soạn và xuất bản SGK, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có nhiều tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK”. Việc tổ chức lựa chọn SGK tại Bình Dương được triển khai thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT…”.
Đề xuất những giải pháp để khắc phục những hạn chế theo ý kiến phản ánh của cử tri, bà Hằng chia sẻ: “Sở GD&ĐT sẽ rà soát, theo dõi sát tình hình cung cấp sách ở địa phương và chỉ đạo các đơn vị phối hợp tốt với các NXB khắc phục các thiếu sót trong việc cung cấp sách cho học sinh; đồng thời chỉ đạo cơ sở giáo dục thông báo sớm danh mục SGK để các cơ sở cung cấp sách trang bị sách đầy đủ, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của học sinh”.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Qua phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp cho thấy, các nội dung chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân trong tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh quan tâm… Phiên chất vấn, trả lời chất vấn đã thành công tốt đẹp với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; đề nghị giám đốc các sở, ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra…”. |
Nói thêm về vấn đề cùng 1 bộ sách nhưng có nhiều NXB khác nhau, bà Hằng cho biết mặc dù sử dụng SGK khác nhau nhưng học sinh vẫn bảo đảm được thụ hưởng những kiến thức như nhau theo nội dung chương trình chung. Riêng vấn đề tái sử dụng SGK, bà Hằng khẳng định: “Ở Bình Dương, SGK do các cơ sở giáo dục cùng cấp học lựa chọn khá tương đồng, điều này góp phần thuận lợi trong việc học sinh chuyển trường. Mặt khác, việc lựa chọn SGK tại cơ sở giáo dục chỉ thực hiện 1 lần cho 1 khối lớp nên SGK vẫn có thể tái sử dụng được cho các năm học sau…”.
Bên cạnh nhóm vấn đề về công tác quản lý Nhà nước về GD&ĐT, các đại biểu cũng đã chất vấn một số nội dung thuộc nhóm vấn đề về công tác quản lý nhà nước về văn hóa – du lịch (VH-DL). Cụ thể, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường một số vấn đề, như: Tiến độ thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một; những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực VH-DL; những thuận lợi và một số vướng mắc khi thực hiện Luật Đất đai năm 2024 về xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư; vấn đề thụ hưởng văn hóa của nhiều chủ doanh nghiệp là người nước ngoài ở Bình Dương chưa được đáp ứng tốt…
Lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trả lời thẳng thắn, đi vào trọng tâm, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để khắc phục, giải quyết các vấn đề mà đại biểu đã chất vấn, cử tri quan tâm…
Gỡ khó, giải quyết tốt các vấn đề
Tại phiên giải trình chất vấn, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá khái quát về công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2024; đồng thời phân tích, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm, như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch cục bộ, quy hoạch phân khu còn chậm; tháo gỡ khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt giá đất đai cụ thể; đưa các công trình trụ sở, các khu đất công cũ vào sử dụng hoặc tổ chức đấu giá; kết quả thực hiện công tác bồi thường… và nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm liên quan đến giao thông – vận tải, lĩnh vực xã hội, nội chính…
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết năm 2024, mặc dù rất quan tâm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhưng công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt còn thấp so với cùng kỳ. Tính đến ngày 10-12-2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công thực hiện 9.000 tỷ đồng, đạt khoảng 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài các nguyên nhân giải ngân vốn còn chậm như các đại biểu đã đề cập, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng còn có nguyên nhân thuộc về chủ quan là một số sở, ngành, chủ đầu tư chưa thực sự sâu sát, thiếu quyết đoán xử lý các vấn đề vướng mắc, phức tạp nảy sinh… UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm tại các công trình, dự án và trong công tác giải phóng mặt bằng. Công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện tốt và đúng tiến độ, nhất là tại các dự án trọng điểm quốc gia. Trong thời gian còn lại của năm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư tập trung thực hiện tốt kế hoạch cao điểm 50 ngày đêm thi đua giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã được ban hành trong tháng 11 vừa qua…
“Trong năm 2025, nhiều dự án sẽ đi vào giai đoạn cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài thuận lợi là nhiều vướng mắc, khó khăn đã được tháo gỡ trong năm 2024, công tác đầu tư công sẽ có nhiều chuyển biến với những nội dung sửa đổi; đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục đầu tư của Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Do đó, UBND tỉnh đánh giá việc giải ngân đầu tư công năm 2025 sẽ có nhiều bứt phá khi công tác chuẩn bị đầu tư trong thời gian qua được thực hiện tốt, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong kế hoạch trung hạn 2021-2025”, ông Võ Văn Minh cho biết thêm.
Về tình trạng ngập nước trên một số tuyến đường giao thông, nhất là ở các đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, và địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để xử lý tình trạng ngập nước, đặc biệt tại các trung tâm đô thị, bảo đảm môi trường sống và giao thông thông suốt…
HUỲNH THỦY – MINH TUẤN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/chat-van-tra-loi-chat-van-tai-ky-hop-thu-19-hdnd-tinh-khoa-x-thang-than-trach-nhiem-cam-ket-manh-me-a337392.html