Gần 500 khán giả hai nước đã xem Chương trình giao lưu âm nhạc dân tộc thanh niên Việt Nam-Trung Quốc với chủ đề “Cùng cất tiếng hát hữu nghị,” diễn ra tối 26-11, tại Hà Nội.
Một tiết mục trong Chương trình giao lưu nghệ thuật “Tiếng hát hữu nghị Việt-Trung,” tổ chức chiều 30/9 vừa qua, tại Hà Nội
Chương trình giao lưu âm nhạc dân tộc thanh niên Việt Nam-Trung Quốc với chủ đề “Cùng cất tiếng hát hữu nghị,” diễn ra tối 26/11, tại Hà Nội.
Buổi biểu diễn do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp tổ chức thu hút gần 500 khán giả hai nước.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng anh em “núi liền núi, sông liền sông.” Mối quan hệ khăng khít, thân thiện và hiệu quả giữa các tổ chức nghề nghiệp về văn học và nghệ thuật trong đó có lĩnh vực âm nhạc có truyền thống lâu đời.
Từ những năm 50 của thế kỷ XX, các nhạc sỹ Việt Nam đã học tập và tu nghiệp tại Trung Quốc như Huy Du, Phạm Đình Sáu, Chu Minh, Hoàng Vân… Ngày nay, mối quan hệ tốt đẹp đó vẫn được duy trì và phát triển.
“Một điển hình cho sự hợp tác hiệu quả đó là việc Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) trong nhiều năm qua đã nhận đào tạo nhiều khóa sinh viên Việt Nam trong các chuyên ngành Âm nhạc, Múa, Quản lý văn hóa… Nhiều sinh viên trong số đó sau khi tốt nghiệp đã trở thành ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng như ca sỹ Đỗ Tố Hoa, nghệ sỹ kèn Sona Trần Hoàng Anh, nghệ sỹ dân tộc Bá Nha…,” Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho biết.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Nam Ninh và Học viện nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức Tuần lễ âm nhạc Trung Quốc-ASEAN và Tháng văn hóa Trung Quốc-ASEAN. Đoàn Việt Nam tham gia với gần 150 nghệ sỹ, 2 dàn nhạc giao hưởng và dân tộc cùng các ban nhạc, solist; biểu diễn 5 buổi, góp phần vào thành công của sự kiện.
Bà Trần Dịch Quân, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tuyên truyền Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), chia sẻ nghệ thuật âm nhạc luôn giữ vai trò quan trọng trong giao văn hóa giữa Trung Quốc-Việt Nam. Những năm gần đây, những trường đại học nghệ thuật âm nhạc của Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam đã cử các nghệ sỹ trẻ xuất sắc sang giao lưu, học hỏi lẫn nhau, phối hợp tổ chức các tuần lễ âm nhạc, hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật, hợp tác sáng tác nghệ thuật và đào tạo tài năng trẻ.
Các tiết mục đặc sắc được thể hiện như “Rồng bay hổ nhảy” với giai điệu sôi động của dàn nhạc kèn dây dân tộc; “Bèo dạt mây trôi” được chuyển thể từ ca dao quan họ miền bắc Việt Nam; hợp tấu dân ca “Hoa nhài” của dân tộc Hán (Trung Quốc) với giai điệu cổ điển; hợp tấu nhạc dân tộc “Thổ cẩm Choang đẹp,” “Gấm thêu Choang”…
Ngoài ra còn có các tiết mục “Xuân hoa Thu quả” với nội dung ca ngợi sự lao động cần cù của mọi tầng lớp xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc; bài “Sân thượng hoa cúc,” “Đa màu sắc-Bài ca của gió,” “Tiểu nguyệt lư câu,” phiên bản hòa tấu dân ca “Thần điêu đại hiệp,” hòa tấu “Ấn tượng âm nhạc Trung Quốc Đại Khúc.”
Buổi tối giao lưu âm nhạc kết thúc với bản giao hưởng dân tộc “Việt Nam-Trung Hoa”./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/am-nhac-dan-toc-ket-noi-thanh-nien-hai-nuoc-viet-nam-va-trung-quoc-a336378.html