Tham dự có TS.Trần Du Lịch – Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cùng lãnh đạo Trường Đại học Thủ Dầu Một, các trường, viện, doanh nghiệp.
Công nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp thông qua sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm sáng tạo như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, du lịch văn hóa, xuất bản, thể thao… Bên cạnh đó, các sản phẩm văn hóa còn là công cụ truyền tải thông điệp, góp phần xây dựng hình ảnh và bản sắc của quốc gia trên trường quốc tế.
TS. Trần Du Lịch – Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chia sẻ tại buổi toạ đàm
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – sáng tạo cùng thảo luận về những xu hướng mới, cơ hội, thách thức của ngành. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của công nghệ số, thúc đẩy ngành Công nghiệp Văn hóa phát triển bền vững. Theo TS.Trần Du Lịch, Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi gần TP.Hồ Chí Minh, cùng nền tảng công nghiệp phát triển vững chắc, sự giao lưu văn hóa đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa. Bình Dương cần xây dựng chính sách hỗ trợ cho người khởi nghiệp trong lĩnh vực này; đào tạo nguồn nhân lực; triển khai các hoạt động thông qua mô hình đối tác công – tư; xây dựng chính sách phát triển không gian văn hóa sáng tạo và tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Các đại biểu trao đổi tại buổi toạ đàm
Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo ngành Công nghiệp Văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số. PGS. TS. Cao Đức Hải – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo chú trọng vào việc khai thác sáng tạo tài nguyên văn hóa Việt Nam. Việc kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống với công nghệ số không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn mang lại giá trị thương mại lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như phim ảnh, âm nhạc, thời trang và thiết kế. Một trong những thách thức lớn mà các cơ sở đào tạo phải đối mặt là tạo ra được sự gắn kết giữa truyền thống và đổi mới sáng tạo, giúp các thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận sâu sắc giá trị văn hóa dân tộc trong thời đại số.
Cựu sinh viên Khoa Công nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa cho TS.Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một
TS.Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, đổi mới hệ thống đào tạo cho khối Công nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Việc xây dựng một chương trình đào tạo tích hợp, liên ngành với sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình học tập, tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Những giải pháp được chia sẻ, đề xuất tại buổi toạ đàm sẽ là kinh nghiệm quý báu giúp Trường Đại học Thủ Dầu Một và Khoa Công nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch nâng cao chất lượng đào tạo.
Dịp này, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với các doanh nghiệp đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thúc đẩy nhiều cơ hội mới cho sinh viên, giảng viên và các bên liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trường Đại học Thủ Dầu Một ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với các doanh nghiệp
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/ChiTiet.aspx?ID=15756