Trồng hoa kiểng không chỉ là niềm đam mê mà còn là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Bàu Bàng, để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, năm nay nông dân đã chủ động trồng thêm nhiều loại hoa mới lạ, độc đáo.
Năm nay, gia đình ông Huỳnh Văn Thơ, xã Trừ Văn Thố trồng thêm 50 gốc tứ quý cẩm thạch phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng
Thời điểm này, người trồng, kinh doanh hoa kiểng ở huyện Bàu Bàng đang tất bật chăm sóc từng cây, từng chậu hoa, kiểng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Những năm qua, vườn hoa phục vụ tết rộng 7.000m2 của gia đình ông Huỳnh Văn Thơ, ở ấp 4, xã Trừ Văn Thố đều gây ấn tượng với khách tham quan, mua sắm bởi sự đa dạng của các loài hoa. Bên cạnh những giống hoa truyền thống, năm nay gia đình ông có thêm loại tứ quý cẩm thạch (hay còn gọi là tắc cẩm thạch), một giống cây lạ mắt với trái và lá sọc trắng độc đáo.
Gia đình ông Thơ là hộ nông dân điển hình thành công với mô hình trồng hoa tết của địa phương. Trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Ông Thơ tâm tình: “Năm nay, gia đình tôi làm mới vườn hoa với 50 gốc tứ quý cẩm thạch. Tôi luôn cố gắng mang đến những chậu hoa đẹp, chất lượng với giá cả phải chăng để mọi người đều có thể mua để chưng tết. Tôi cho rằng thị trường hoa tết năm nay khá lạc quan, vì tình hình kinh tế đất nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng khả quan hơn năm trước; với nhiều gia đình nông dân trên địa bàn huyện Bàu Bàng, giá mủ cao su đang tăng, hứa hẹn sẽ có một cái tết đầm ấm hơn, có điều kiện để mua sắm hoa kiểng chơi tết nhiều hơn.
Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuống giống hơn 6.000 chậu hoa các loại, như cúc vạn thọ, mào gà, hoa giấy, cây bắp và hơn 2.000 chậu hoa kiểng như hoa mai, linh sam, tắc”. Đối với gia đình chị Võ Thị Thu Hà, ở ấp 4, xã Trừ Văn Thố, bên cạnh những loại hoa truyền thống như vạn thọ, cúc vàng, mồng gà, hướng dương…, năm nay gia đình chị còn trồng những giống hoa mới như thọ Mỹ, ban mai mắt cọp, ban mai đỏ, bắp cải và nhiều loại kiểng ớt. Chị Hà chia sẻ: “Phần lớn các mặt hàng mới năm nay đều do khách hàng chủ động đặt để chơi tết. Mình kinh doanh hoa kiểng nên khách đặt gì thì mình làm đó. Hơn nữa, thấy nhiều giống mới đẹp nên tôi cũng mạnh dạn trồng thêm.
Gia đình chị Võ Thị Thu Hà cũng trồng thêm nhiều giống mới như bắp cải, ớt phục vụ thị trường tết
Đặc biệt, bắp cải không chỉ đẹp mắt mà còn có thể dùng để trang trí mâm cơm ngày tết”. Cũng theo chị Hà, các gia đình mua hoa về chưng tết thường mua theo cặp (2 chậu), không chỉ mang ý nghĩa thẩm mỹ mà còn thể hiện sự cân bằng hài hòa trong cuộc sống. Ghi nhận cho thấy, để có được những chậu hoa tươi thắm ngày tết, người trồng, kinh doanh hoa, kiểng thường chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Họ chọn những giống hoa đẹp, khỏe mạnh, phù hợp với khí hậu và đất đai của địa phương, sau đó tiến hành làm đất, bón phân, gieo hạt. Việc chăm sóc hoa đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì. Mỗi ngày, người trồng, kinh doanh hoa, kiểng dành nhiều thời gian để tưới nước, bón phân, cắt tỉa lá vàng, phòng trừ sâu bệnh…
Theo các hộ trồng, kinh doanh hoa, kiểng tết trên địa bàn huyện Bàu Bàng, năm nay ngoài những loại hoa, kiểng truyền thống các nhà vườn có thêm một số giống mới để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, năm nay phần lớn các nhà vườn trên địa bàn huyện không tăng số lượng mà xuống giống theo số lượng ổn định, vừa phải để phù hợp với quy mô canh tác, không tạo dư thừa hoa, kiểng khiến giá cả giảm xuống.
Ông Nguyễn Minh Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố, cho biết hầu hết các hộ trồng, kinh doanh hoa, kiểng tết ở địa phương đều trồng quy mô nhỏ. Mặc dù vậy, việc trồng, kinh doanh hoa, kiểng theo vụ đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Các hộ nông dân đã chú trọng ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong trồng và chăm sóc hoa, kiểng để cây luôn tươi tốt và nở hoa đúng thời điểm.
TIẾN HẠNH
Nguồn: https://baobinhduong.vn/huyen-bau-bang-tat-bat-vu-mua-hoa-kieng-tet-a338800.html