(BDO) Với sự hợp lực của nhiều đơn vị, Bình Dương đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nhằm giúp DN tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bước tiến mới
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương, CĐS đang trở thành một xu thế, một động lực thúc đẩy quan trọng trong phát triển của xã hội nói chung và của từng DN nói riêng. Thời gian qua, các DN tìm các giải pháp đẩy mạnh CĐS, tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới dựa trên công nghệ số…, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó cho thấy, CĐS trong sản xuất mang lại những lợi ích trực tiếp cho DN, giúp DN tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, khai thác dữ liệu khách hàng, hiểu rõ hơn nhu cầu, mong muốn của khách hàng, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Sản xuất tại Công ty may Panko Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2)
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho hay, nhờ ứng dụng công nghệ số, thông qua tự động hóa quy trình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay robot ảo mà DN may mặc dễ dàng hơn trong công tác quản lý, quản trị. Tuy nhiên, hoạt động CĐS đang còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ số đòi hỏi các khoản đầu tư lớn đối với các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh của DN là vấn đề không đơn giản đối với đa số DN, thậm chí rủi ro cho mô hình kinh doanh hiện tại. Việc lựa chọn đối tác cũng đặt ra cho DN các thách thức của CĐS về việc trang bị các sản phẩm, phần mềm…
Từ thực tế của DN mình, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty Lâm Việt cho biết, chuyển đổi xanh không nên được nhìn nhận như một áp lực mà chính là sự chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp xu thế và nâng cao giá trị bền vững cho DN. Điều quan trọng nhất trong quá trình này chính là thay đổi nhận thức, đặc biệt là từ chính các chủ DN. Đây chính là yếu tố cốt lõi, quyết định sự thành công của chuyển đổi xanh.
Không xem là áp lực
Ông Nguyễn Thanh Lam chia sẻ thêm, thực tế khi tham gia vào hành trình chuyển đổi xanh, mỗi khâu trong chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, sản xuất, xuất hàng cho đến vận chuyển đều mang tiềm năng tối ưu hóa, giúp tăng năng suất và giảm phát thải.
DN ngành gỗ chú trọng tìm kiếm máy móc tiết kiệm điện, ít phát thải môi trường
“Ví dụ, sau khi tiến hành kiểm kê khí nhà kính, Công ty Lâm Việt nhận ra rằng phần lớn lượng phát thải đến từ việc sử dụng điện. Một trong những giải pháp hiệu quả để giảm phát thải chính là tiết kiệm điện. Điều này có thể được thực hiện nhanh chóng thông qua việc đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời. Ngoài ra, DN có thể áp dụng các biện pháp như quản lý điện năng trong nội bộ nhà máy hoặc lắp đặt hệ thống giám sát năng lượng. Hệ thống này sẽ cung cấp báo cáo chi tiết về tình hình sử dụng năng lượng tại từng thời điểm, từ đó giúp tối ưu hóa và tiết kiệm điện hiệu quả hơn”, ông Lam nói.
Đề xuất chính sách hỗ trợ cho DN, ông Nguyễn Thanh Lam cho rằng, với các nhà máy vừa và nhỏ, việc đầu tư vào các hệ thống như trên đòi hỏi nguồn vốn lớn, điều mà không phải DN nào cũng dễ dàng đáp ứng. Vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực, chẳng hạn như các quỹ năng lượng xanh hoặc các chương trình hỗ trợ vốn ưu đãi cho DN. Những chính sách này sẽ giúp DN tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết, từ đó đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh và góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia một cách nhanh chóng và bền vững.
Để hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng DN, tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ và khuyến khích các DN trong việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất và quản lý. Ngành công thương phối hợp các đơn vị chuyên môn có lộ trình đánh giá xác định được thực trạng trong quá trình CĐS để từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, giúp DN phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Ngành công thương tăng cường ứng dụng mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến, quảng bá trực tiếp sản phẩm sản xuất đến người tiêu dùng, tăng doanh thu và lợi nhuận cho DN; hỗ trợ các DN nhỏ và vừa cải tiến máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và kịp thời đề xuất. Đồng thời, ngành ghi nhận ý kiến về những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong quá trình thúc đẩy các hoạt động ứng dụng số, đổi mới công nghệ, sáng tạo…”.
TS. Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một: Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số, cộng đồng DN cần phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo nhằm nắm bắt kịp thời các công nghệ mới, chủ động đầu tư cải tiến công nghệ cũng như ứng dụng những mô hình, giải pháp công nghệ… Các DN sản xuất công nghiệp như: dệt may, da giày, cơ khí, gỗ, sản xuất năng lượng…cần từng bước CĐS nhằm góp phần đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện lộ trình hướng tới Net-Zero… |
Tiểu My – Cẩm Tú
Nguồn: https://baobinhduong.vn/doanh-nghiep-chu-dong-thuc-day-phat-trien-san-xuat-bang-cac-giai-phap-cong-nghe-a338395.html