Năm 2024, lĩnh vực nông nghiệp của Bình Dương vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là năm tăng tốc để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025, trong đó có mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cơ cấu lại nông nghiệp… Nhờ xác định rõ nhiệm vụ và chủ động triển khai ngay từ đầu năm nên ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Các xã NTM tập trung đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong ảnh: Một tuyến đường chính đi qua xã NTM An Lập, huyện Dầu Tiếng
Đóng góp vào sự phát triển chung
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; cùng với đó tiếp tục chủ động triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi… nên thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt được những kết quả tốt. Mặc dù là tỉnh công nghiệp và thương mại – dịch vụ phát triển mạnh nhưng ngành nông nghiệp vẫn đóng góp tích cực vào nền kinh tế, với mức đóng góp từ 16.000-18.000 tỷ đồng/ năm, chiếm 2,5-3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Qua đó góp phần tích cực ổn định đời sống người dân nông thôn, tạo ra lương thực thực phẩm cho xã hội.
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng nâng lên. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.450 ha diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích gieo trồng ứng dụng công nghệ cao hàng năm đạt khoảng 8.418 ha, tăng 18,3% so với năm 2023. Toàn tỉnh có khoảng 600 ha đất trồng trọt theo hướng hữu cơ, trong đó có 171,5 ha/2 cơ sở đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. ..
Lĩnh vực chăn nuôi cũng tăng trưởng ổn định, theo hướng tập trung, quy mô lớn. Bình Dương hiện có số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Bình Dương là địa phương đạt kết quả cao trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Dấu ấn nông thôn mới
Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã công nhận 4 xã NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 38/38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 3 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành NTM. Song song đó, Bình Dương thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên và xã An Thái, huyện Phú Giáo.
Các hợp tác xã mạnh dạn ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long
Điều ấn tượng là các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2024 đa số là các xã vùng xa với xuất phát điểm thấp, tuy vậy đã nỗ lực về đích sớm. Các xã không chỉ tập trung vào phát triển sản xuất mà còn đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu về văn hóa, giáo dục, chuyển đổi số gắn với mục tiêu ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM để phát triển kinh tế nông thôn, kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.
Xây dựng NTM, các địa phương đều tập trung đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng nông thôn. Điển hình, ở xã NTM kiểu mẫu Bạch Đằng, TP.Tân Uyên, được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội kết nối đồng bộ với các đô thị Tân Uyên, Thủ Dầu Một và Biên Hòa (Đồng Nai), bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng NTM với phát triển đô thị xanh. Xã Bạch Đằng có 79 tuyến đường được bê tông nhựa nóng hoặc trải đá, có hệ thống cây xanh; có công trình cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, xã còn được đầu tư hệ thống đèn led trên 3 tuyến đường và cầu Bạch Đằng với 266 bóng đèn…
Quá trình thực hiện xây dựng NTM, Bình Dương không có nợ đọng vốn; bố trí vốn xây dựng NTM lồng ghép, trong đó ưu tiên đầu tư những công trình nước sạch, giao thông, điện, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục… Trong năm 2024, tổng vốn huy động xây dựng NTM toàn tỉnh khoảng 2.183 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hơn 1.256 tỷ đồng. |
Ở các xã NTM trong tỉnh đều lắp đặt camera an ninh tại các nút giao thông quan trọng; lắp đặt wifi miễn phí tại các khu vực công cộng phục vụ người dân. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý tại các xã NTM đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, các dự án nông nghiệp công nghệ cao được triển khai hiệu quả.
Hiện nay, các chủ trang trại, cơ sở trồng trọt các nông sản chủ lực của tỉnh như bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng, chuối… đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc, sản phẩm được bán qua các kênh thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội… góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Năm 2025, thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn trong tỉnh đạt gần 90 triệu đồng.
THOẠI PHƯƠNG – HƯƠNG THẢO
Nguồn: https://baobinhduong.vn/nganh-nong-nghiep-dat-nhieu-ket-qua-kha-quan-a338293.html