Những tháng cuối năm 2024 ghi nhận nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh phục hồi tích cực. Với tín hiệu ấm dần lên của thị trường, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.
Các DN chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH SX – TM thiết bị điện Kim Sang (TP.Tân Uyên)
Chú trọng ứng dụng công nghệ mới
Bà Trần Thị An Nhiên, Trưởng phòng hành chính Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP.Dĩ An), cho biết từ đầu năm đến nay công ty đạt mức tăng trưởng trên 5% so với cùng kỳ năm 2023. Với đơn hàng khá lớn, công ty đang tuyển thêm 1.200 công nhân, nâng tổng số lên gần 9.000 công nhân để phục vụ sản xuất, đáp ứng đơn hàng đã ký kết. Công ty cũng đầu tư dây chuyền tự động hóa trong các quy trình sản xuất tạo ra hệ thống sản xuất hiệu quả, giúp công ty tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa các nguồn lực. Đây là những bước tiến quan trọng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ của công ty trong quá trình phát triển.
Theo bà Nguyễn Thanh Giang, Tổng Giám đốc Công ty Tetra Pak Việt Nam, công ty dự kiến mở rộng nhà máy tại Bình Dương thông qua việc bổ sung một dây chuyền sản xuất dự kiến sẽ đi vào hoạt động quý III-2025. Để đạt được công suất mới, nhà máy sẽ tăng cường tuyển dụng lao động. Việc mở rộng sản xuất là một phần trong kế hoạch của công ty nhằm khẳng định Bình Dương chính là thị trường thúc đẩy sự phát triển chiến lược của công ty tại Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã quan tâm nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, cắt giảm chi phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ông Lưu Trí, Giám đốc TNHH Công nghiệp Nghệ Năng (TP. Dĩ An), chia sẻ điều đáng mừng là trong bối cảnh khó khăn chung nhưng từ đầu năm đến nay công ty vẫn đạt mức tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty chú trọng đầu tư công nghệ mới vào sản xuất để duy trì phát triển ổn định. Công ty cũng chuyển đổi số, áp dụng phần mềm quản lý trong quá trình sản xuất nên linh hoạt hơn trong việc chuyển tải, nắm bắt thông tin từ đối tác, khách hàng, đơn vị cung cấp vật tư, tài chính.
Đối với Tổng Công ty Becamex IDC, đơn vị đã triển khai xây dựng trung tâm công nghệ 4.0 nhằm phối hợp, hỗ trợ các DN công nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực kỹ thuật, quản trị đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, DN vốn đầu tư nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường cho DN công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Góp sức vượt qua thách thức
Theo các DN gỗ trên địa bàn tỉnh, sản xuất kinh doanh ngành gỗ trong những tháng cuối năm 2024 vẫn trên đà phục hồi tốt. Hiện nay, nhiều DN ngành gỗ đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III-2025. Tuy vậy, các DN vẫn đang đối mặt với những thách thức là các hàng rào kỹ thuật mới, các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu.
Để tháo gỡ khó khăn, thách thức của DN trong bối cảnh hiện nay, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, kiến nghị bên cạnh nỗ lực của DN, các ngành chức năng cần hỗ trợ DN kết nối với các tập đoàn đa quốc gia nhằm tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng; cùng với đó triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp, xuất khẩu.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương luôn khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, tham gia xúc tiến thương mại để tạo đà phát triển ổn định và nâng cao giá trị thương hiệu. Để bảo đảm sản phẩm của các DN trong nước trên địa bàn tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho DN. Các chương trình đào tạo tập trung vào việc nâng cao tay nghề cho người lao động, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bình Dương cũng khuyến khích DN ứng dụng công nghệ xanh, đầu tư vào sản phẩm thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Một trong những mục tiêu của Bình Dương trong thời gian tới là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ việc gia công, chế biến đơn thuần sang sản xuất công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Điều này không chỉ giúp DN trên địa bàn tỉnh tăng sức cạnh tranh mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Bình Dương đang khuyến khích DN đầu tư công nghệ tiên tiến, tự động hóa vào quy trình sản xuất và áp dụng các giải pháp sản xuất thông minh. Đây là hướng đi giúp các DN không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
TIỂU MY
Nguồn: https://baobinhduong.vn/chia-khoa-de-thuc-day-san-xuat-tang-suc-canh-tranh-cua-san-pham-a336533.html