Vingroup nghiên cứu và phát triển người máy; PV Drilling lập liên doanh tại Indonesia; Hòa Phát chuẩn bị làm sắt đường ray
Hòa Phát cử người tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt cao tốc; Gỗ Trường Thành góp vốn lập công ty nội thất tại Bình Dương; Bà Nguyễn Thị Mai Thanh rời ghế Chủ tịch HĐQT REE sau hơn 3 thập kỷ gắn bó…
Hòa Phát cử người tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt cao tốc
Tập đoàn Hòa Phát tự tin về khả năng cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD.
“Ở thời điểm hiện tại chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt ở các nước đã làm tàu cao tốc”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc tài chính Hòa Phát vừa chia sẻ.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long thăm bên trong lò cao của dự án Dung Quất 2 vào tháng 6/2024. |
Điểm đáng chú ý là tại dự án Dung Quất 2, Hòa Phát đã chứng minh năng lực kỹ thuật khi sản xuất được thép chất lượng cao dùng trong lốp ô tô – sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật còn cao hơn cả thép đường ray tàu cao tốc. “Khi chúng tôi đã làm được thép chất lượng cao đến vậy thì thép cho đường ray tàu cao tốc cũng chỉ có yêu cầu tương tự, thậm chí ở chuẩn thấp hơn nên Hòa Phát sẽ làm được”, bà Kim Oanh khẳng định.
Theo bà Oanh, dự án này cũng có sử dụng tới nhiều loại thép khác mà Hòa Phát đang sản xuất.
“Để sản xuất thép cho đường ray tàu cao tốc cần phải có đế móng đường. Mà đế móng đường này lại cũng cần đến thép xây dựng. Các điểm chờ kết nối, nhà ga cũng cần phải sử dụng đến thép. Vì vậy, song hành với thép đường ray Hòa Phát cũng có thể cung cấp thêm cả thép xây dựng, tôn mạ, ống tôn, HRC cho dự án”, bà cho biết.
Trong tổng mức đầu tư 67 tỷ USD của Dự án, chi phí cho cơ sở hạ tầng chiếm 35%-50%, chi phí xây dựng đường ray khoảng 15%-20% và chi phí làm đường vào ga khoảng 10%-15%.
Theo bà Kim Oanh, Việt Nam tự chủ được về thép sẽ có lợi hơn thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu. “Công trình này cũng cần tu bổ, bảo dưỡng cho sau này. Nếu Việt Nam phụ thuộc vào việc nhập khẩu thì có thể ảnh hưởng đến quá trình tu bổ, bảo dưỡng cho dự án”, bà nói. Nếu nhập khẩu nhiều, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực về tỷ giá vì phải đổi tiền VND sang USD hay các ngoại tệ khác để mua hàng. Việc bảo trì, bảo hành bảo dưỡng cũng cần dùng đến ngoại tệ nếu nhập khẩu. Bà tin rằng Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án Dung Quất 2 với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC/năm và tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Bà Oanh tiết lộ dự án này sẽ có sản phẩm thương mại từ cuối 2024 và đóng góp đáng kể vào năm 2025. Theo kế hoạch, lò cao số 1 sẽ hoạt động 50-60% công suất trong năm 2025, tăng lên 80% vào năm 2026 và dự kiến đạt công suất tối đa trong giai đoạn 2027-2028.
PV Drilling thành lập liên doanh tại Indonesia
HĐQT Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) đã thông qua Nghị quyết phê duyệt góp vốn thành lập công ty liên doanh tại Indonesia.
Liên doanh mới có tên giao dịch quốc tế cũng như tên gọi chính thức tại Indonesia là PT PetroVietnam Drilling Indonesia, viết tắt là PT PVD Indo, hoạt động cung cấp dịch vụ khoan và dịch vụ kỹ thuật giếng khoan cho các công ty dầu khí tại Indonesia.
PT PetroVietnam Drilling Indonesia có vốn điều lệ 700.000 USD |
Theo Nghị quyết, Công ty có vốn điều lệ 700.000 USD, trong đó PV Drilling và PT Quest Semesta Raya mỗi bên góp 40%, còn lại ông Yosep Arianto góp 20%. Công ty được đăng ký kinh doanh tại Indonesia, hoạt động 10 năm kể từ khi thành lập và có thể kéo dài thêm khi các bên đồng ý.
Mục đích chính thành lập PT PVD Indo được PV Drilling cho biết hướng đến cung cấp dịch vụ cho thuê giàn khoan tự nâng và các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan hỗ trợ hoạt động thăm dò khai thác tại Indonesia.
Thực tế, PV Drilling đã có hoạt động kinh doanh tại thị trường Indonesia từ tháng 12/2022 đến nay, với văn phòng điều hành tại Jakarta thành lập vào tháng 7/2023. Khách hàng lớn nhất tại nước này là Pertamina Hulu Energi Offshore Northwest Java (PHE ONWJ).
Trải qua gần 2 năm tại Indonesia, giàn PV Drilling II được PV Drilling cho biết đạt thành tích hoạt động tích cực, hiệu suất trên 99% cũng như sự an toàn xuyên suốt quá trình vận hành, được khách hàng PHE ONWJ đánh giá cao.
Mới đây, vào sáng 19/11/2024, tại văn phòng của PHE ONWJ ở Jakarta, PV Drilling cùng đối tác PT Jimmulya đã ký kết phụ lục gia hạn hợp đồng cung cấp giàn PV Drilling II với PHW ONWJ. Theo đó, giàn PV Drilling II sẽ tiếp tục phục vụ chiến dịch khoan dài hạn của PHE ONWJ tại vùng biển Tây Bắc Java ngoài khơi Indonesia thêm 3 năm chắc chắn, dự kiến kéo dài đến hết năm 2028.
Trong thời gian tới, PV Drilling dự kiến vận hành cùng lúc 2 giàn khoan tự nâng PV Drilling II và PV Drilling III cho Pertamina từ năm 2025, theo các thỏa thuận được ký kết gần đây.
Về đóng góp vào kết quả kinh doanh của PV Drilling, khu vực Indonesia có đóng góp đáng kể với tỷ trọng 9% doanh thu và 16% lãi gộp trong 9 tháng đầu năm 2024, theo dữ liệu từ Khối nghiên cứu CTCP Chứng khoán MB (MBS Research).
Trong 9 tháng đầu năm 2024, PV Drilling mang về 6,477 tỷ đồng doanh thu, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ bởi doanh thu quý 2 và 3 tăng mạnh, do giá thuê giàn tự nâng ổn định và đóng góp từ 2 giàn thuê Hakuryu, Borr (Thor).
Sau cùng, PV Drilling lãi ròng 478 tỷ đồng, tăng 26%. Dù vậy, mức này được MBS Research đánh giá thấp hơn kỳ vọng cả năm 2024, do lợi nhuận từ liên doanh liên kết và kỹ thuật giếng khoan thấp hơn kỳ vọng.
Vingroup nghiên cứu và phát triển người máy
HĐQT Tập đoàn Vingroup đã ban hành Nghị quyết thông qua tham gia góp vốn thành lập công ty con có tên CTCP Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Người máy Vinrobotics, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
CTCP Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Người máy Vinrobotics là công ty con của Vingroup. |
Theo Nghị quyết, Vingroup sẽ góp 51% vốn tại VinRobotics. Công ty này có trụ sở chính tại tòa nhà văn phòng Symphony, đường Chu Huy Mân, Khu đô thị Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP Hà Nội.
Theo thông tin công bố trên website của Vingroup ngày 20/11, ngoài Vingroup góp 51% vốn, còn lại tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) góp 39%, 2 con trai của ông là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người góp 5%. Vị trí Tổng giám đốc VinRobotics do ông Ngô Quốc Hưng đảm nhiệm.
VinRobotics được giới thiệu hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI). Công ty chuyên sản xuất và tích hợp các sản phẩm người máy và robot thông minh, nhằm cung cấp các giải pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đời sống.
Song song đó, VinRobotics tập trung phát triển ứng dụng cho các doanh nghiệp, qua đó tối ưu hóa quy trình và thúc đẩy hiệu suất công việc. Khách hàng của VinRobotics không chỉ giới hạn là các công ty trong hệ sinh thái Vingroup mà sẽ mở rộng sang các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành kinh tế, công nghiệp trọng điểm khác.
Tập đoàn cho biết việc thành lập VinRobotics là bước đi quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao, 1 trong 3 trụ cột cốt lõi của Tập đoàn Vingroup, bên cạnh Thương mại Dịch vụ và Thiện nguyện Xã hội. Hiện tại, Vingroup cũng đang tiến sâu vào lĩnh vực công nghiệp ô tô, với mũi nhọn ô tô điện thương hiệu VinFast; các công nghệ thông minh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn với các thương hiệu VinBigdata, VinAI, VinBrain…
Gỗ Trường Thành góp vốn lập công ty nội thất tại Bình Dương
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành) vừa thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Natuzzi Việt Nam vốn điều lệ 30,6 tỷ đồng, trong đó Gỗ Trường Thành góp hơn 1,5 tỷ đồng, chiếm 5% vốn.
Một nhà máy của TTF. |
Công ty Natuzzi Việt Nam có trụ sở tại Lô A15, Đường số 4, Cụm công nghiệp phường Uyên Hưng, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất và các sản phẩm bọc bằng da và chất liệu khác.
Vốn điều lệ dự kiến hơn 30,6 tỷ đồng, tương ứng hơn 3,06 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). Trong đó, Gỗ Trường Thành góp hơn 1,53 tỷ đồng, tương đương sở hữu 153.125 cổ phần, chiếm 5% vốn. Thời điểm góp vốn trong 90 ngày kể từ ngày Natuzzi Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Về tình hình kinh doanh, Gỗ Trường Thành tiếp tục lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng trong quý III/2024, nâng tổng lỗ 9 tháng lên gần 27 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/09/2024, Gỗ Trường Thành lỗ lũy kế gần 3,268 tỷ đồng.
Công ty cho biết do thị trường của các khách hàng lớn gặp nhiều khó khăn nên doanh thu xuất khẩu giảm. Gỗ Trường Thành đang tập trung mở rộng và tìm kiếm khách hàng mới tại thị trường EU, Mỹ, đặc biệt thị trường châu Á, Dubai, Australia và Đông Á, nhằm tăng sản lượng trong quý 4/2024.
Thông qua công ty con 60% vốn là CTCP Đồ gỗ Casadora, Gỗ Trường Thành sẽ rót 500.000 USD (gần 13 tỷ đồng tính theo tỷ giá hiện tại) bằng tiền mặt và là vốn chủ sở hữu để thâm nhập thị trường Dubai.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh rời ghế Chủ tịch HĐQT REE sau hơn 3 thập kỷ gắn bó
HĐQT CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) thông qua nghị quyết thay đổi nhân sự cấp cao. Sau hơn 3 thập kỷ gắn bó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh rời ghế Chủ tịch HĐQT REE để đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc REE từ ngày 22/11.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc REE. |
Theo đó, HĐQT REE cho ông Lê Nguyễn Minh Quang thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc REE kể từ ngày 22/11 theo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Đáng chú ý ông Quang từ chức Tổng giám đốc chỉ sau hơn 4 tháng nhậm chức.
Trước đó REE thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng giám đốc đối với ông Huỳnh Thanh Hải và thay ông Lê Nguyễn Minh Quang vào vị trí này với thời hạn bổ nhiệm 3 năm, từ ngày 1/7/2024.
Ông Quang tốt nghiệp Khoa Xây dựng trường Đại học Bách khoa TP. HCM, lấy bằng Tiến sĩ Xây dựng tại Trường đào tạo kỹ sư Ecole Centrale Paris, Pháp và có bằng Thạc sĩ Quản trị Hành chính công của Trường Quản lý công Lý Quang Diệu (Singapore) và Trường Hành chính công Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ). Trước khi gia nhập REE, ông Quang từng giữ chức Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche của Pháp, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.
Thay cho vị trí của bà Thanh, ông Alain Xavier Cany, Phó chủ tịch HĐQT REE được bầu làm Chủ tịch HĐQT REE.
Ông Alain Xavier Cany, tân Chủ tịch HĐQT REE. |
Bà Mai Thanh đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE từ năm 1993. Để tuân thủ quy định tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc (theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP, hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng có hiệu lực từ ngày 1/8/2020), bà Thanh đã rút khỏi vị trí Tổng giám đốc REE và chuyển giao vị trí này cho ông Huỳnh Thanh Hải từ tháng 7/2020.
Về phía ông Alain Xavier Cany, trước khi được bầu vào làm Chủ tịch HĐQT REE, ông giữ chức Phó chủ tịch không điều hành của REE. Ông Alain Xavier Cany tham gia vào HĐQT REE từ năm 2021 dưới sự đề cử của quỹ ngoại Platinum Victory Pte.Ltd.
Ông Alain Xavier Cany sở hữu nhiều kinh nghiệm khi có thời gian dài công tác tại Credit Commercial de France, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, HSBC Hong Kong… và hoạt động trong nhiều tổ chức như: Eurocham Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).