Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” tại Bình Phước tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc Lễ hội ‘Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo.
Ngày 9/11, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã khai mạc tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Lễ hội diễn ra đến 10/11 nhằm tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; kêu gọi sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp… góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Các hoạt động của lễ hội nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.
Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” gồm chuỗi các hoạt động: Chương trình nghệ thuật “Giã gạo chày tay-Nuôi quân đánh giặc” công phu, hoành tráng với sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ đến từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng hàng trăm diễn viên sẽ tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước của đồng bào dân tộc S’Tiêng; Hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch; chạy việt dã với chủ đề “Đường về thăm sóc Bom Bo.”
Trong khuôn khổ Lễ hội còn có Hội chợ thương mại các gian hàng văn hóa, nông sản; Lễ hội ẩm thực “Hương vị bên ánh đuốc lồ ô”; Liên hoan văn hóa các dân tộc; phục dựng Lễ hội Kết bạn; biểu diễn hòa tấu với 50 bộ đàn đá; các trò chơi dân gian (đẩy gậy, cõng nước, giã gạo)…
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười cho biết trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa danh sóc Bom Bo đã trở thành huyền thoại, tạo nên khí thế hào hùng, ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.
Với lòng yêu nước nồng nàn, không khuất phục trước chính sách dồn dân lập ấp của chế độ Mỹ-ngụy, đồng bào Sóc Bom Bo (Sóc Bom Bo thuộc quận Đức Phong, tỉnh Phước Long thời bấy giờ) đã vượt suối, băng rừng để về căn cứ cách mạng (Căn cứ Nửa Lon thuộc thôn 3, xã Đường 10, huyện Bù Đăng ngày nay).
Dẫu còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo vẫn một lòng một dạ sắt son với Đảng, với cách mạng, tích cực thi đua lao động sản xuất vừa phục vụ đời sống vừa phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ của vùng căn cứ.
Năm 1965, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Phước Long-Đồng Xoài nhằm tiêu diệt cụm quân sự của địch ở phía Bắc chiến khu Đ, trong phạm vi tỉnh Phước Long, Bình Long và trên trục giao thông chiến lược Tây Nguyên-Sài Gòn (Quốc lộ 13 và 14).
Thời điểm này, sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch. Bằng tinh thần tập trung cao độ cho chiến dịch, với quyết tâm cao và sự sáng tạo của mình, đồng bào sóc Bom Bo và các sóc trong vùng căn cứ đã tập trung toàn bộ lực lượng, toàn bộ vật dụng hiện có để giã gạo không kể ngày đêm, kịp thời phục vụ chiến trường.
Sau 3 ngày đêm miệt mài giã gạo, đồng bào sóc Bom Bo đã cung cấp cho chiến dịch Phước Long-Đồng Xoài 5 tấn gạo trong thời gian ngắn nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dưới ánh đuốc bập bùng, nhịp chày khua rộn rã, cùng với những tình cảm dạt dào của đồng bào Bom Bo với cách mạng đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sỹ Xuân Hồng sáng tác bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo.”
Ngày hòa bình lập lại, đồng bào sóc Bom Bo lại trở về chốn cũ (ngày nay thuộc thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng), lập sóc, giữ rừng, sinh sống và phát triển kinh tế gia đình.
Ở Bom Bo giờ đây, hai bên con đường nhựa uốn lượn là những ngọn đồi càphê, điều, tiêu xanh mướt, những căn nhà ngói đỏ khang trang, nếp ống, rượu cần thơm ngào ngạt.
Cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, trên mảnh đất thôn Bom Bo ngày nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã xây dựng và phát triển Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu của người S’tiêng vùng miền Đông Nam Bộ.
Đến nơi đây, ký ức Bom Bo huyền thoại như trở về qua lời ca, tiếng hát cùng với điệu cồng chiêng dưới ánh lửa bập bùng, ký ức hào hùng còn vọng mãi mai sau./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/le-hoi-vang-mai-tieng-chay-tren-soc-bom-bo-tai-hien-hinh-anh-gia-gao-nuoi-quan-a335224.html