Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.
Kiến nghị cơ chế đầu tư
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã thông tin một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương trong 9 tháng năm 2024.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm 2024 tăng 7,28% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 25,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 18,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,4%. Tổng thu ngân sách 50.120 tỷ đồng, đạt 77% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công 6.300 tỷ đồng, đạt 41,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tỉnh đã thu hút thêm được 1,2 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài và 56.620 tỷ đồng vốn đăng ký trong nước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.360 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 41,8 tỷ đô la Mỹ và 71.520 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 780.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh đạt 85%, thuộc Top đầu cả nước.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 52.000 căn nhà ở xã hội, tương đương 2,6 triệu m2 sàn. 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư mới 02 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 6.000 căn hộ và 04 dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất nhà ở xã hội.
Hiện tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Theo chuẩn của tỉnh, còn khoảng 5.499 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,37% và 1.739 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,43%; phấn đấu đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 9 tháng đầu năm 2024
Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương về cơ chế, hỗ trợ nguồn lực đầu tư để đến năm 2030 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo quy hoạch được phê duyệt. Để huy động tối đa các nguồn lực, tập trung đầu tư đạt được mục tiêu này, tỉnh đã chủ động ban hành Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2030. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, cho phép tỉnh Bình Dương được sử dụng toàn bộ 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất và được giữ lại 100% nguồn vượt thu ngân sách Trung ương giao hàng năm để bổ sung nguồn lực đầu tư cho tỉnh.
Ông Nguyễn Hoàng Thao
– Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày những đề xuất, kiến nghị của Bình Dương với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành
Theo định hướng Quy hoạch, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành trung tâm giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trên địa bàn tỉnh hiện có 08 trường Đại học đang có nhu cầu lớn để thu hút, đào tạo sinh viên trên các lĩnh vực khoa học – công nghệ cao, chíp bán dẫn, vi mạch điện tử… phục vụ cho tỉnh và vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều cơ chế, chính sách để các trường Đại học thu hút và khuyến khích sinh viên theo học các ngành, lĩnh vực này. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét có cơ chế, chính sách cụ thể như miễn hoặc giảm 50% học phí (ngân sách Nhà nước sẽ bù đắp) đối với các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ, đặc biệt là chíp bán dẫn, vi mạch điện tử… để thu hút được nhiều sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị các cơ chế, hỗ trợ nguồn lực để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm; thành lập các khu thương mại tự do theo quy hoạch đã được phê duyệt; điều chỉnh, bổ sung các chính sách huy động các nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế để đáp ứng yêu cầu phát triển; sử dụng kinh phí chi thường xuyên để cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành đã có ý kiến cụ thể đối với những kiến nghị của Bình Dương, đồng thời đề xuất, gợi mở một số giải pháp để Bình Dương tăng tốc, bứt phá sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tỉnh quan tâm và phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp, tạo nền tảng vững chắc để phát triển mục tiêu giáo dục cao hơn; quan tâm đào tạo và có cơ chế chính sách riêng về giáo dục để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các ngành ưu tiên về công nghệ, chip bán dẫn; ưu tiên hỗ trợ khuyến khích nhà đầu tư xã hội hóa giáo dục tại các khu công nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các giải pháp để Bình Dương phát triển tăng tốc
Ông Nguyễn Việt Hùng –Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương cao hơn 2 lần so với trung bình cả nước. Với cơ cấu đô thị phù hợp, tỉnh đã huy động nguồn lực để phát triển đô thị một cách đồng bộ và hiệu quả; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch rất cao, đạt 99,6%. Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh cần quan tâm nghiên cứu cấu trúc, không gian đô thị phù hợp với định hướng chung. Đồng thời tập trung bố trí các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng hệ thống đô thị theo quy hoạch, chương trình đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách khuyến khích và huy động thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch tại khu vực nông thôn. Với đặc thù tỉnh công nghiệp, nguồn lao động nhập cư rất đông kéo theo nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng tăng, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, cũng như nghiên cứu phương án khuyến khích nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Bình Dương trong 9 tháng năm 2024.
Thủ tướng Chính Phủ cũng đề cập đến những tồn tại, như đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh sau đại dịch còn thấp, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cải cách thủ tục hành chính còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ nêu 6 bài học kinh nghiệm Bình Dương cần quán triệt tổ chức thực hiện tốt hơn. Trong đó phải quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, khai thác các tiềm năng thế mạnh của địa phương. Nắm chắc tình hình khu vực và thế giới, chủ động để hóa giải các đột xuất, bất ngờ, đẩy mạnh hội nhập và liên kết vùng. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực phát triển. Công tác chỉ đạo điều hành đòi hỏi quyết tâm cao, có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát, rõ người, rõ việc, rõ kết quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy sức mạnh của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc
Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải phát triển bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, ưu tiên tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tăng cường tiếp cận tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu công các công trình trọng điểm, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Về đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, tỉnh cần triển khai các khu thuế quan thương mại tự do, mạnh dạn đề xuất các phương án, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kích cầu trong tỉnh, thúc đẩy thương mại điện tử.
Đồng thời, tăng thu, tiết kiệm chi; số hoá lĩnh vực thuế; phát triển công nghiệp kiểu mới, các ngành dịch vụ mũi nhọn tạo đà phát triển công nghiệp như logistics, tài chính, giáo dục, y tế. Đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược gồm hạ tầng số, hạ tầng xanh, hạ tầng y tế, giáo dục, viễn thông, hạ tầng khu công nghiệp. Chú trọng hạ tầng giao thông kết nối vùng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, từ giáo dục kiến thức sang giáo dục toàn diện, đào tạo nghề. Quan tâm xây dựng nhà ở xã hội cho thuê và mua. Triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển toàn diện và bền vững. Giữ ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cũng như quan tâm đến công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.
Thủ tướng kỳ vọng, với truyền thống văn hóa và lịch sử của “miền Đông gian lao mà anh dũng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển đột phá mạnh mẽ, toàn diện hơn, nhất là phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế “ban đêm”, phát triển bao trùm, nhân văn giữa con người với tự nhiên, kinh tế với văn hóa, nhằm khẳng định vị thế thủ phủ công nghiệp, hiện đại, đi đầu của cả nước, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương về một số tồn tại, hạn chế. Qua đó, tập trung thực hiện và đề ra các giải pháp để khắc phục tháo gỡ.
Đồng thời mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương tiếp tục xem xét về những nội dung mà tỉnh đã kiến nghị để sớm tháo gỡ các khó khăn, nhất là nguồn vốn phát triển các dự án trọng điểm, tạo động lực để tỉnh phát triển. Bình Dương sẽ thực hiện quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tỉnh đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững hơn.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu và cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào trong các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/ChiTiet.aspx?ID=15304