Vui hội Đống Đa trên đất An Khê
Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa diễn ra tại TX An Khê (Gia Lai) hằng năm không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của Hoàng đế Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn mà còn là sự kiện mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng.
Trích đoạn “Tây Sơn thần tốc” do diễn viên, nghệ nhân Đoàn tuồng Nhơn Hưng biểu diễn. Ảnh: THẢO VY |
Trong đó, Lễ hội Kinh Thượng – Cầu Huê là phần không thể thiếu của chuỗi hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, được tổ chức vào mùng 4 – 5 Tết Nguyên đán hằng năm tại TX An Khê.
Dù thời tiết nắng gắt nhưng nhiều người dân và du khách vẫn nhiệt tình tham gia lễ hội. Ảnh: THẢO VY |
Lễ hội này thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia, mang đến không khí vui tươi, đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là dịp để mọi người tưởng nhớ công lao của 3 anh em nhà Tây Sơn, tham gia các hoạt động truyền thống như dâng hương, chơi trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, tham quan trưng bày sản phẩm thủ công. Lễ hội không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là cầu nối gắn kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử giữa hai vùng đất Tây Sơn Thượng đạo và Hạ đạo.
Tiết mục võ thuật do CLB võ cổ truyền TX An Khê biểu diễn Ảnh: THẢO VY |
Năm nay, lễ hội diễn ra ngày 1.2 (mùng 4 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025). Tham gia các hoạt động nghệ thuật tại đây, đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) tái hiện những chiến công oanh liệt, hào hùng của 3 anh em nhà Tây Sơn qua từng đường quyền, tiếng trống, mang đến cho du khách và người dân những ấn tượng về lịch sử và văn hóa đặc trưng của miền đất võ Bình Định.
Võ sư cao cấp Hồ Sỹ, đội trưởng đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Nhiều năm liên tiếp biểu diễn ở Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa tại An Khê – Gia Lai, tôi hiểu được đây là sự kiện mang ý nghĩa rất lớn. Không chỉ tái hiện khí thế hào hùng của cha ông trong lịch sử, đây còn là dịp cho thấy mối quan hệ gắn kết giữa hai vùng đất Tây Sơn Thượng đạo và Tây Sơn Hạ đạo. Tinh thần đoàn kết đó là cội nguồn sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn, vẫn được con cháu kế thừa và duy trì cho đến ngày nay”.
Chị Lê Thị Ngọc Trâm (ở Nhơn Phong, TX An Nhơn) chia sẻ: “Tôi cùng gia đình đã nhiều lần tham dự lễ hội Kinh Thượng – Cầu Huê. Tại đây, chúng tôi đến dâng hương tưởng nhớ công lao của 3 anh em nhà Tây Sơn và tham gia vào các hoạt động lễ hội tại các gian hàng sản phẩm truyền thống, sản phẩm thủ công và trò chơi dân gian”.
Đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: THẢO VY |
Nghệ nhân Dương Thị Hương (Đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung) biểu diễn đánh trống trận. Ảnh: THẢO VY |
Dâng lễ vật lên Hoàng đế Quang Trung và các tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: THẢO VY |
Dâng hoa Tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: THẢO VY |
Nhiều bạn nhỏ thích thú với các gian hàng truyền thống, trò chơi dân gian. Ảnh: THẢO VY |
Nghi thức dâng hương Hoàng đế Quang Trung và các tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: THẢO VY |
Không chỉ có võ thuật Bình Định được truyền bá đến du khách, sự kiện năm nay còn có sự góp mặt của Đoàn tuồng Nhơn Hưng (Bình Định) tái diễn trích đoạn “Tây Sơn thần tốc”, góp phần làm phong phú thêm lễ hội.
THẢO VY
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=300670