Vũ Ngọc Liễn một cánh hạc vàng bay mãi
Năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một người mà hẳn là trong chúng ta nhiều người sẽ gọi là – bác, đại ca Yamaha, là Trung sĩ Inox, là Vũ Tiên sinh… Nhưng hôm nay một cách trang trọng, tôi muốn gọi đúng với vị thế của ông trên văn đàn: Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, giải thưởng Nhà nước, nhà “Đào Tấn học”.
1. Duyên nợ của hai bác cháu tôi có lẽ cũng chỉ quanh đâu đó chục năm, ấy là khi tôi bảo vệ luận văn thạc sĩ về tuồng hát bội Đào Tấn, được ngồi hầu rượu, hầu trà tại cái salon văn nghệ đặc biệt 06 Nguyễn Biểu (TP Quy Nhơn) cùng các đàn anh đáng kính, bạn bè văn nghệ. Còn biết đến ông và được gặp gỡ dễ chừng cũng hơn 20 năm.
Duyên với hát bội cho tôi có dịp chứng kiến tâm huyết của một người dành trọn cuộc đời mình cho nghiên cứu nghệ thuật đặc sắc của quê hương Bình Định. Vị trí có thể khẳng định công lao hàng đầu của Vũ Ngọc Liễn là đã góp phần khẳng định và tôn vinh hậu tổ hát bội Đào Tấn, qua các cuộc hội thảo đầy sóng gió cam go. Ông là người có công đầu trong việc góp phần dịch thuật, sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm hát bội, thơ và từ chữ Hán của Đào Tấn sang quốc ngữ, làm căn cứ cho các học giả tìm hiểu một cách xác đáng thân thế – sự nghiệp của Đào công. Sự nghiệp cả một đời tập hợp trong ba cuốn sách quý: Đào Tấn tuồng hát bội; Đào Tấn thơ và từ; Đào Tấn qua thư tịch.
Trong giới văn nghệ, chúng tôi vẫn thường gọi suồng sã ông là đại ca, gọi “lén” là anh Yamaha mà không bao giờ sợ ông giận, vì tính ông ham chơi và thích chơi với “bọn trẻ”. Ngồi cả buổi tại nhà ông, chúng tôi có thể đấu hót chuyện trên trời dưới bể, chuyện Đông chuyện Tây, thậm chí cả chuyện “cánh đàn ông anh nào còn đầu gối còn gân máu là còn thích” như chính ông ha hả, hào hứng góp chuyện!
Nhưng điều mà tôi học hỏi được từ khi được làm chân điếu đóm hóng chuyện chính là một nguồn năng lượng tinh thần tích cực luôn được ông khơi mào. Một con người tự học để trưởng thành, có sự đào tạo chính quy về kịch nghệ tại Trung Quốc, nhưng luôn đau đáu một tâm huyết làm rạng danh nghệ thuật truyền thống quê hương. Điều vinh dự của bản thân tôi là được ông tin tưởng giao cho bản thảo quý Chầu Đôi, đánh máy tư liệu của cụ Phạm Phú Tiết, một ân công, bậc thầy của ông, để làm thành bản vi tính in thành sách phổ biến rộng rãi. Quãng thời gian ấy, tôi còn được tiếp cận phương pháp làm việc nghiêm cẩn với chữ nghĩa của ông, chăm chút và bổ sung cho bản thảo Góp nhặt dọc đường với những câu chuyện, ghi chép suốt một đời nghiên cứu nghệ thuật hát bội của chính ông.
2. Làm việc và chơi với ông thấy thật nhẹ nhàng ung dung, nhưng đáng nể nhất là cuốn sách Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, ông đồ nghệ sĩ ông đã chấp bút khi vào tuổi bát tuần và hoàn thành ngay sau khi trải qua cơn bạo bệnh tưởng chừng không qua khỏi.
Quãng thời gian gần gũi với ông cũng là thời điểm tôi có thể phát huy nhiều nhất giá trị tấm bằng thạc sĩ mảng văn học Việt Nam của mình, tham gia nhiều hội thảo tầm quốc gia, viết tham luận khoa học công bố trong các kỷ yếu chuyên ngành…
Tôi còn học ở ông cái dũng của người cầm bút, khi chứng kiến ông không khoan nhượng và khinh ra mặt những kẻ xu nịnh, tham lợi bỏ nghĩa. Ông là người “tiếp lửa” cho chúng tôi khi khăn đóng áo dài viết thư pháp ở Hội thơ Nguyên Tiêu tại Ghềnh Ráng, xông xáo cùng CLB Văn học Xuân Diệu tự tổ chức Ngày thơ Việt Nam hoành tráng đáng nhớ tại Trung tâm Văn hóa tỉnh… Cứ nhớ mãi hình ảnh ông được vây quanh bởi các bạn học sinh, sinh viên, nắn nót cho chữ đầu Xuân – một vẻ đẹp lộng lẫy nhất của mùa xuân năm ấy. Lúc nào cũng thấy ông cười rạng rỡ, lan tỏa một năng lượng đặc biệt, sẵn sàng đối thoại, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu lớp trẻ. Cũng có lẽ vì vậy mà tôi thường hay nhớ ông vào những dịp mùa xuân, khoảnh khắc chuẩn bị đón chào năm mới.
Nhiều lần được thưởng thức rượu ngon Bàu Đá đậu xanh tại nhà ông, lũ hậu sinh lếu láo chúng tôi được uống và được nói lén ông già keo kiệt, không bao giờ cho uống đã nư mà toàn rượu nhín. Vậy mà một dịp vui nhất cuối đời ông, khi cuốn sách về cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu ra mắt và cũng là dịp ông được nhận Giải thưởng Nhà nước, ông đã dám hào phóng khui chai rượu Chivas 38 được tặng và riêng tôi được uống tận ba ly rượu mà đến giờ tôi vẫn cho là ngon nhất trong các bữa rượu đời mình.
Lại nhớ ông tỉ mẩn gọt củ thủy tiên gửi từ Hà Nội vào và hào hứng đãi chúng tôi mấy tuần trà rượu thưởng thức hoa thủy tiên nở đúng Tết. Đó cũng là khoảnh khắc tôi nhận ra thần thái của một học giả nhiều ưu tư trăn trở bên nhánh thủy tiên, trong cái Tết cuối cùng được gặp ông. Bởi tôi biết ông còn quá nhiều dự định khi qua tuổi 88 rồi mà vẫn muốn hoàn thành công trình chuyển dịch quốc ngữ một số bản tuồng quý từ nguyên bản Hán Nôm.
3. Hai bác cháu đã có một buổi đàm đạo xoay quanh việc làm sao cho vốn di sản cha ông không bị mai một, lưu mãi ngàn đời… Có lẽ ông cảm nhận thấm thía dẫu “tài chưa tận” nhưng “lão lai” nên sợ mình lực bất tòng tâm, công trình đành dang dở…
Bây giờ thì Vũ tiên sinh đã về miền mây trắng. Và năm nay cũng là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Đời người trăm năm ngắn ngủi, để lại bao ngậm ngùi như câu thơ Thôi Hiệu tiếc nuối người theo cánh hạc vàng bay về cõi tiên: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tải không du du (Hoàng Hạc lâu).
Nhớ về ông, trân trọng những tinh anh trí tuệ ông để lại cho đời, cứ ngỡ như thời gian ngưng đọng mãi ánh mắt nụ cười của con người luôn lạc quan, tin tưởng vào tiền đồ phát triển của những giá trị văn hóa nghìn năm dân tộc.
TRẦN HÀ NAM
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=285993