Vở ca kịch bài chòi “Dòng sông kể chuyện”: Câu chuyện xúc động ngợi ca lòng yêu nước
Vở ca kịch bài chòi Dòng sông kể chuyện được Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) dàn dựng mới và diễn tổng duyệt vào cuối tuần trước. Vở diễn ngợi ca những tấm gương anh hùng liệt sĩ, lòng yêu nước của quân dân An Nhơn – Bình Ðịnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Vở diễn Dòng sông kể chuyện (tác giả kịch bản: Nguyễn Hoài; tác giả chuyển thể: NSƯT Tấn Hào; đạo diễn: NSND Hoài Huệ) thuộc đề tài chiến tranh cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dựa trên câu chuyện có thật kể về một gia đình cách mạng ở An Nhơn. Vở diễn xoay quanh những nhân vật chính, gồm: Tiểu đội trưởng Trực (nghệ sĩ Sử Thành Việt thủ vai) và bà Hồng (vợ chiến sĩ Trực – NSƯT Kim Châu); vợ chồng chiến sĩ Hòa Bình – Kiều Mai (NSƯT Phương Phú và NSƯT Thùy Dung), chiến sĩ Giới (nghệ sĩ Đỗ Xuân), cùng những đồng đội đã anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Vở diễn Dòng sông kể chuyện để lại nhiều cảm xúc lắng đọng trong lòng khán giả. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Mở đầu vở diễn là hình ảnh CCB tên Giới đứng bên bờ sông bồi hồi nhớ lại một thời sát cánh cùng đồng đội chiến đấu đánh trận Nhà Đèn, người tiểu đội trưởng Trực năm xưa vì cứu anh lúc bị thương trong lần phá vòng vây của địch đã hy sinh. Bài hát vọng da diết Dòng sông kể chuyện (sáng tác NSƯT Đinh Văn Nhân) mở màn vở diễn – “Mang bao nỗi niềm, âm thầm những cơn đau, sông cuồn cuộn tràn…/ Tiếng ca xao xuyến ngân vang vui ngày bình an/ Ta cùng dựng xây nước non rạng ngời, nhịp cầu mới hôm nay cho muôn đời”.
Nhiều lớp diễn được dàn dựng công phu, kết hợp diễn xuất, hiệu ứng ánh sáng, âm nhạc, những màn chuyển cảnh đã cuốn hút, hấp dẫn người xem trong cảnh diễn nơi quê nhà tiểu đội trưởng Trực, người vợ tên Hồng và con trai Hòa Bình ngóng trông tin chồng bên ngôi nhà tranh ven sông, hàng dừa hằn những vết đạn trên thân.
Chiến sĩ Giới vượt hiểm nguy tìm đến nhà bà Hồng trao lại kỷ vật, cùng lời dặn của tiểu đội trưởng Trực nhắn gửi vợ con tin vào ngày đất nước thống nhất. Quân địch lần theo dấu vết đến nhà bà Hồng để lục soát tìm chiến sĩ Giới, mẹ con bà Hồng gan dạ che giấu anh. Chàng trai Hòa Bình dẫn anh Giới vào rừng thoát khỏi sự truy đuổi của địch, rồi từ đó mẹ con bà Hồng cũng chia xa. Đôi mắt bà bị mù, mang nỗi đau mất chồng con, nhưng vẫn một lòng trung trinh theo cách mạng.
Câu chuyện tiếp tục diễn ra sau 15 năm, Hòa Bình trở thành tình báo cách mạng cài cắm hoạt động trong lòng địch. Anh về nhà thăm mẹ Hồng để nói lời từ biệt trước khi đánh trận Nhà Đèn, nhưng không thể nói với mẹ về nhiệm vụ bí mật của mình, để cho mẹ phải khóc than, oán trách vì nghe tin mình theo địch. Gác lại nỗi đớn đau, anh chỉ kịp tặng mẹ chiếc áo khoác, rồi lạy tạ từ mẹ ra đi. Nhưng ngày đất nước thống nhất, anh và người vợ Kiều Mai đã mãi ra đi không thể trở về bên mẹ.
Cảnh gặp gỡ giữa mẹ Hồng và con trai Hòa Bình, với sự diễn xuất nhập tâm của NSƯT Kim Châu và NSƯT Phương Phú đã lấy đi nước mắt của bao khán giả.
Sau nhiều năm rời sân khấu để làm công tác quản lý, lần trở lại này NSƯT Kim Châu đã để lại nhiều ấn tượng qua vai diễn bà Hồng – một bà Mẹ Việt Nam anh hùng với tấm lòng vĩ đại. NSƯT Kim Châu tâm tình: “Tôi đã khóc hết nước mắt khi diễn từng phân cảnh, những giọt nước mắt trên sân khấu tuôn ra từ đáy lòng của tôi, bày tỏ sự biết ơn thế hệ cha anh đi trước. Khán giả cũng rơi lệ khi xem, đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi hóa thân thành công vai diễn”.
NSƯT Phương Phú cũng lột tả nội tâm nhân vật Hòa Bình một cách chân thật khi vào vai. NSƯT Phương Phú chia sẻ: “Ở phân cảnh về gặp tạ từ mẹ Hồng, lúc đó tôi không chỉ diễn xuất mà là diễn thật, khóc thật với cảm xúc của lòng mình. Tâm can tôi bị giằng xé, thắt cả lồng ngực với nỗi đau gặp mẹ mà không thể nói ra sự thật, rồi lại chia xa mang theo nỗi dằn vặt, gác bỏ tình thân để ra đi cùng đồng đội chiến đấu và hy sinh”.
Những vai diễn khác, như vai tiểu đội trưởng Trực, chiến sĩ Giới, chiến sĩ Kiều Mai… dù không xuất hiện nhiều trên sân khấu, nhưng các nghệ sĩ cũng để lại ấn tượng, góp phần làm nên thành công của vở diễn. Không gian sân khấu tái hiện những cảnh bộ đội chiến đấu, đến quán bar của địch, cảnh đặc công nước băng qua những cánh rừng ngập mặn tiến đánh Nhà Đèn, cảnh hy sinh của những chiến sĩ cách mạng… được đạo diễn xử lý khiến người xem dâng trào cảm xúc khó tả.
Đạo diễn NSND Hoài Huệ cho biết: “Đề tài sân khấu về chiến tranh cách mạng không mới, nhưng để vở diễn lột tả nghệ thuật sân khấu nghe – nhìn, lôi cuốn khán giả nghe hay, thấy diễn hấp dẫn, cảnh trí sống động nhưng đảm bảo thời gian của vở, tôi dàn dựng xử lý không gian sân khấu không tắt đèn chuyển cảnh nhưng vẫn tái hiện được từng phân cảnh mang tính ước lệ sân khấu nối liền liên tục, chuyển tải câu chuyện hào hùng có thật trên quê hương Bình Định mang nhiều giá trị nhân văn cao đẹp, ngợi ca lòng yêu nước trường tồn của dân tộc”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=289571